Quyết không để ngành thép "chết chìm"

Cập nhật 27/12/2008 15:13

Không thể để một ngành sản xuất quan trọng “chết chìm”, Chính phủ buộc phải ra tay cứu ngành thép. Tuy nhiên trước khi quyết định những giải pháp cần thiết, Bộ Công thương đã trực tiếp kiểm tra tình hình các doanh nghiệp thép.

Sản phẩm “đắp chiếu” tại các cửa hàng bán lẻ đang làm cho các doanh nghiệp sản xuất thép khốn đốn

Tồn khoảng 2 triệu tấn

Thép và phôi đang tồn kho lớn. Nhưng cụ thể con số chính xác là bao nhiêu thì mỗi nơi lại đưa ra một con số khác nhau. Theo Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, lượng thép và phôi tồn kho lên tới 3 triệu tấn. Còn theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) thì con số này vào khoảng 550.000 tấn phôi và 400.000 tấn thép. Báo cáo Thủ tướng, các doanh nghiệp đều than thở tồn kho rất lớn, đang hoạt động cầm chừng và có nguy cơ phá sản.

Tuy chưa thể kiểm tra tất cả, đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công thương chủ trì đã trực tiếp làm việc với 4 doanh nghiệp: Công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần kim khí Hưng Yên, Công ty TNHH Vạn Lợi, Công ty Thép Đình Vũ. Riêng 4 doanh nghiệp này hiện đang tồn kho khoảng 30.000 tấn thép thành phẩm, 115.000 tấn phôi thép và 75.000 tấn thép phế.

Được biết, 10 tháng đầu năm các doanh nghiệp thành viên của VSA sản xuất 2,718 triệu tấn thép và 1,7 triệu tấn phôi; nhập khẩu xấp xỉ 5 triệu tấn thép thành phẩm các loại, 2 triệu tấn phôi. Do tiêu thụ chậm nên đến hết tháng 10, các doanh nghiệp thành viên VSA còn tồn 550.000 tấn phôi và 400.000 tấn thép (bao gồm cả tồn từ năm 2007 chuyển sang).

Khối kinh doanh thương mại cũng còn tồn kho khoảng trên 1 triệu tấn (phôi và thép). Tổng cộng, theo tính toán của Bộ Công thương, cả nước còn tồn kho khoảng 2 triệu tấn phôi và thép. Sau khi kiểm tra, cơ quan này cho rằng con số 3 triệu tấn do Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa ra là quá lớn so với thực tế.

Lỗ bao nhiêu

Do dự báo và tính toán không sát nên đầu năm, khi giá phôi thép thế giới tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất phôi và thép Việt Nam đã đua nhau nhập khẩu để dự trữ. Vào tháng 7, giá thép cực điểm ở mức 1.200 - 1.250 USD/tấn. Có một thực tế diễn ra là giá phôi thép càng tăng nhanh thì doanh nghiệp lại càng lo lắng, dồn vốn, vay vốn mua dự trữ càng nhiều.

Cho đến khi thị trường bắt đầu có xu thế thừa thép và nguyên liệu, các doanh nghiệp lại tìm cách xuất khẩu để hưởng chênh lệch. Song do không sát thực tế, lo ngại việc doanh nghiệp xuất khẩu nhiều tạo sự khan hiếm cho thị trường trong nước, theo đề xuất của VSA và Bộ Công thương, Chính phủ đã cho áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu (tăng thuế xuất khẩu, áp dụng cơ chế giấy phép xuất khẩu tự động) và thực hiện chủ trương kìm giá bán để kiềm chế lạm phát.

Sang tháng 8, giá phôi thép quay đầu giảm, tốc độ giảm còn nhanh hơn tăng (trong tháng 10, giá phôi chào bán lúc thấp nhất chỉ 255 - 270 USD/tấn và hiện đang ở mức 330 - 350 USD/tấn). Tình hình thay đổi quá nhanh, trong khi các biện pháp hạn chế xuất khẩu nêu trên lại được dỡ bỏ quá chậm, khiến các doanh nghiệp trở tay không kịp!

Kiểm tra tại 4 doanh nghiệp nói trên cho thấy, giá thành sản xuất bình quân của số phôi thép tồn kho vào khoảng 12 - 13 triệu đồng/tấn, trong khi giá phôi nhập khẩu (cả thuế) chỉ khoảng 7 - 8 triệu đồng/tấn. Vì vậy, cho dù có khả năng tiêu thụ được hết lượng phôi tồn đọng (điều này rất khó) thì năm 2008 cả 4 doanh nghiệp này vẫn sẽ lỗ lớn.

Theo tính toán của Bộ Công thương, với mức giá bán bình quân hiện nay (trên dưới 10 triệu đồng/tấn thép) các doanh nghiệp lỗ khoảng 7 triệu đồng/tấn. Với khoảng 1 triệu tấn thép thành phẩm đang tồn kho của các doanh nghiệp trong cả nước, con số lỗ là không nhỏ. Chưa kể với một số vốn khổng lồ đang bị tồn đọng, các doanh nghiệp đang phải chịu sức ép lãi suất hết sức căng thẳng.

Cứu cách nào?


Thuế vẫn là giải pháp đầu tiên được Bộ Công thương đề xuất với Chính phủ. Tuy nhiên thay vì đề nghị áp dụng phương án điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu phôi thép lên 15% (cam kết WTO cho phép mức 17%, doanh nghiệp đề nghị 25%, VSA đề nghị 15%) thì Bộ Công thương nghiêng về phương án áp dụng thuế tuyệt đối.

Cơ quan này cho rằng, biện pháp này sẽ linh hoạt hơn trong bối cảnh giá phôi thế giới biến động liên tục, không dự báo trước được. Mặt khác Chính phủ cần hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp sản xuất phôi (vì ngành này mới phát triển), tiến tới giảm sự phụ thuộc vào phôi nhập khẩu.

Để giảm tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp cán thép từ phôi nhập khẩu, Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thuế nhập khẩu thép xây dựng lên 20% (để ngăn thép nhập khẩu tràn vào).

Còn lại ngoài mặt hàng thép đã phủ tráng tăng nhẹ thuế nhập khẩu lên đến mức từ 10-12%, cơ quan này đề nghị Bộ Tài chính không điều chỉnh thuế nhập khẩu với thép tấm, thép cuộn cán nóng, thép lá, cuộn, cán nguội, ống thép hàn (dù các doanh nghiệp đều đề xuất tăng) do căn cứ vào tình hình sản xuất trong nước.

Đồng thời, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngân hàng tiếp tục cho các doanh nghiệp thép vay vốn, nới lỏng định mức cho vay, giãn nợ đối với các doanh nghiệp quá khó khăn, bán đủ ngoại tệ theo tỉ giá công bố... Song song với đó là việc tăng cường công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, trục lợi, chống buôn lậu, gian lận thương mại...

Mặt khác Bộ Công thương nhấn mạnh, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, các doanh nghiệp vẫn phải xác định sự nỗ lực của bản thân từng doanh nghiệp là chính, đặc biệt là thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí trung gian, sắp xếp tổ chức lại sản xuất... để hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm.

Mức thuế nhập khẩu tuyệt đối do Bộ Công thương đề xuất:

- 250 USD/tấn nếu giá phôi 300 - 350 USD/tấn

- 200 USD/tấn nếu giá phôi 350 - 400 USD/tấn

- 150 USD/tấn nếu giá phôi 400 - 450 USD/tấn

- 100 USD/tấn nếu giá phôi 450 - 500 USD/tấn

- 50 USD/tấn nếu giá phôi 500 - 550 USD/tấn

- Áp dụng thuế nhập khẩu 5% nếu giá phôi từ 550 USD/tấn trở lên.


DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp