Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2003/NĐ – CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng thay thế Nghị định 209/2004/NĐ – CP và Nghị định 49/2008/NĐ – CP. PGS. TS Nguyễn Văn Hiệp, thành viên Ban chấp hành Tổng hội xây dựng Việt Nam nhận định: "So với các quy định của hai Nghị định cũ Nghị định 15 có những thay đổi quan trọng về nội dung. Nhưng một lần nữa các chính sách pháp luật riêng trong quản lý nhà nước (QLNN) về quản lý chất lượng công trình xây dựng lại có những thay đổi mà bản thân các đơn vị QLNN khi triển khai thực hiện cũng đang lúng túng”.
Theo Nghị định 15, các đơn vị QLNN giữ vai trò thẩm tra thiết kế cho tất cả những dự án thuộc mọi nguồn vốn, rồi sau khi thẩm tra xong chủ đầu tư sẽ thẩm định và phê duyệt thiết kế. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hiệp, thẩm tra thiết kế đang có sự "thay đổi nghịch” về định nghĩa công tác thẩm tra vì trước đây quy định là việc của Bộ, Sở tiến hành. Nếu đủ năng lực, cơ quan QLNN sẽ tự thực hiện và ngược lại sẽ chủ động thuê đơn bị tư vấn đến tiến hành công việc. Thực tế cho thấy, từ năm 2004 đến nay cơ quan QLNN đã không còn thực hiện nhiệm vụ này. Nay nếu cơ quan QLNN được giao thực hiện các chuyên viên hiện có của từng đơn vị chắc chắn không đủ năng lực, kinh nghiệm. Khi đó, sẽ diễn ra tình trạng tuyển dụng thêm biên chế công chức nhiều chuyên ngành (kết cấu, điện, cơ, kinh tế xây dựng…) khác cho cả các Bộ và nhiều cơ quan tương tự. Vì một thiết kế mất an toàn có thể xuất hiện từ những yếu tố khác nhau. Bộ máy công chức hành chính nhà nước lại tăng. Mặt khác, nếu cơ quan QLNN không đủ năng lực mà thuê tư vấn bên ngoài thẩm tra để có kết luận dễ nảy sinh tiêu cực, mặt khác vi phạm quy định của Luật Xây dựng (Điều 57) và Luật Sửa đổi bổ sung các luật về đầu tư xây dựng cơ bản. Hơn nữa, tư vấn thẩm tra được chỉ định thầu sẽ tạo điều kiện để "nhóm lợi ích” xuất hiện, không loại trừ là "sân sau” của các đơn vị.
Trường hợp cơ quan QLNN đủ năng lực thực hiện thẩm tra, sẽ thu chi phí theo quy định và cơ quan này phải ký hợp đồng thẩm tra với chủ đầu tư. Như vậy cơ quan có phải đăng lý kinh doanh hay không? Điều này không phù hợp với một đơn vị QLNN – đơn vị sự nghiệp công, gồm những công chức hành chính nhà nước như hiện hành. Nếu có thu chi phí phải đóng thuế thu nhập, thuế VAT, thuế lợi tức hình thành…như một doanh nghiệp là những vấn đề gây lúng túng cho các đơn vị QLNN. Nếu cơ quan QLNN tự thực hiện thẩm tra (giả sử đủ năng lực) cá nhân các công chức hành chính nhà nước ấy không cần có chứng chỉ hành nghệ trong khi bắt buộc những người hành nghề thẩm tra của các đơn vị tư vấn phải có. Hiện nay ở những văn bản quy định khác, Chính phủ đã cho phép các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới, khu kinh tế…được tham gia với vai trò QLNN. Giả sử khi chín muồi, đủ điều kiện việc thẩm tra các thiết kế vẫn được giao cho các cơ quan QLNN như Nghị định 15 thì khi đó các Ban trên không còn thực hiện phần việc được giao thay vào đó là việc của các Bộ và Sở.
Một bất cập nữa được PGS. TS Nguyễn Văn Hiệp đề cập, trong Nghị định 15, đối với những công trình quan trọng, có kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới… những tư vấn chuyên nghiệp, thậm chí tư vấn nước ngoài mới đủ năng lực thẩm tra. Việc tìm tư vấn phù hợp, do phía nào đề xuất? Thiết nghĩ, cần để xã hội tham gia trọn vẹn công việc thẩm tra vì đây là loại hình dịch vụ tư vấn, được pháp luật quy định thay vì cơ quan QLNN chủ động. Không có gì đảm bảo cơ quan QLNN thẩm tra hay tổ chức thẩm tra sẽ tuyệt đối an toàn, kinh tế. Đặc biệt khi quy định hiện hành của Bộ Xây dựng, các đơn vị tư vấn được phép không mua bảo hiểm về trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn.