Phối hợp màu sơn cùng đồ nội thất

Cập nhật 12/12/2012 14:38

Khi cầm bảng màu sơn tường (hay quạt màu sơn), đa phần mọi người đều hoa mắt bởi những sắc màu phong phú, đa dạng. Nhìn ở đó, màu nào cũng thấy đẹp. Nếu không phải là dân trong nghề thì từ hoa mắt đến… lạc lối là khoảng cách rất gần.

Màu sơn chỉ là màu sơn, nó không bao giờ đứng riêng một mình trong không gian, nó liên quan đến đồ đạc nội thất. Màu sơn đẹp, chính là màu sơn hài hoà được với đồ đạc nội thất, làm tôn lẫn nhau cho đẹp lên.
 

Màu trắng luôn là nền hiệu quả cho những sắc màu sẫm và các màu rực rỡ nổi bật.


Định hình cho không gian cùng màu sắc

Sơn tường là một trong những công đoạn hoàn thiện cuối cùng của quá trình thi công xây dựng. Công việc này dễ thấy, trực quan và không đòi hỏi kỹ thuật cao nên thường các chủ nhà hay tự cho mình “quyền” được lựa chọn màu sơn, cách sơn (trên các mảng, khối tường). Theo đó, việc sơn tường là một việc tất yếu, dễ dàng và không liên quan đến các nội dung khác. Cứ sơn tường xong (theo màu ưa thích đã) rồi sẽ… tính sau; sẽ kê đồ vào sau. Nhưng thử hỏi: Đồ nội thất như thế nào, hiện đang có đồ gì, định dùng đồ gì, màu sắc chất liệu ra sao; trong những thứ đồ đạc đó, thứ nào là chủ đạo… thì chắc cũng rất nhiều người ú ớ không trả lời được.

Đó là một sai lầm vẫn thường thấy trong công đoạn sơn tường khi không tính đến mối quan hệ với đồ đạc nội thất trong nhà. Thậm chí ngay cả kiến trúc sư cũng có lỗi một phần khi chỉ định màu mình thích hoặc theo một ý đồ nào đó, mà không biết chủ nhà đang ngấm ngầm với “style” đồ nội thất không phù hợp. Ở đây chưa nói chuyện cái nào xấu cái nào đẹp, như thế nào là xấu – đẹp; mà là sự cần thiết để đi tới sự phối hợp hài hoà – điều này có những nguyên tắc nhất định. Không ít trường hợp kiến trúc sư đưa ra những giải pháp màu “mạnh”, “nóng” (kết hợp cùng các hình khối đường nét kiến trúc – nội thất) theo lối hiện đại; nhưng chủ nhà lại đưa vào những đồ nội thất kiểu cổ điển. Và kết quả là một sự tréo ngoe, khập khiễng về mặt thẩm mỹ và thị giác. Hoặc có những trường hợp màu đồ và màu tường lại “đá” nhau, cũng xuất phát từ sự thiếu trao đổi thông tin, thiếu sự chuẩn bị và không có sự định hình cần thiết trước cho không gian.

Tất nhiên có thể có nhiều cách làm. Có thể sơn tường trước rồi chọn đồ, đặt đồ phù hợp với màu tường; cũng có thể chuẩn bị, dự trù sẵn đồ đạc (kiểu dáng, chất liệu, màu sắc) rồi căn cứ vào đó chọn màu sơn tường. Cũng có những trường hợp xây nhà mới dùng lại nhiều đồ cũ, và có thể chúng “vênh” nhau; vậy thì hãy chọn thứ nào là chủ đạo, sẽ tiếp tục dùng lâu dài để căn cứ vào đó chọn màu sơn cho tường. Trong trường hợp định mua đồ mới, thì hãy tham khảo trước chủng loại đồ hiện đang có trên thị trường (nhất là màu sắc) để sơn tường cho phù hợp.

Thực tế, trong một không gian thường có rất nhiều màu. Ngoài đồ đạc nội thất như giường, tủ, bàn, ghế… có thể tương đồng màu và thường bằng gỗ; thì còn có rất nhiều thứ khác có màu khác như cửa, mành rèm, thảm, chăn ga, khăn trải bàn, tranh ảnh, các đồ điện tử gia dụng… Vì vậy, trong một không gian bình thường, nếu không phải là phòng giải trí thì không nên sử dụng quá nhiều màu. Chỉ nên chọn không quá hai màu: một màu nền và một màu nhấn tại vị trí cần thiết. Màu nền cần thiết phải là màu sáng để tăng hệ số chiếu sáng cho không gian. Trong nhà ở, màu tường trắng (hoặc các màu gần trắng) và vàng nhạt là những màu phổ biến và được ưa chuộng, dễ đi với các màu sơn tường khác cũng như với các đồ nội thất. Màu nền tường sáng còn giúp làm nổi bật những thứ đồ đạc khác, ví dụ như một bộ sofa trong phòng khách.
 

Đồ nội thất và màu tường cùng “tông”.


Thiết kế đồng bộ

Là cách làm hợp lý và khoa học nhất, tuy vậy trong thực tế không phải lúc nào cũng đạt được điều này. Có thể thiết kế kiến trúc là một người, thiết kế và sản xuất đồ nội thất lại là một đơn vị khác; mà mỗi nhà thiết kế lại có ý tưởng khác nhau, định hướng tư vấn khác nhau cho chủ nhà. Hoặc cũng có thể phần đồ đạc nội thất hoàn toàn do chủ nhà đảm nhiệm.

Với một thiết kế thống nhất và đồng bộ, tất cả mọi thành phần của kiến trúc và nội thất được đặt ra bình đẳng trong mối tương quan với mục tiêu tạo nên một không gian tốt nhất, mà màu sắc của tường cùng đồ nội thất là một trong những yếu tố quan trọng, cần thiết. Từ một định hướng chung, ý tưởng chủ đạo, các màu sắc và phân mảng màu sắc sẽ được chọn lựa cùng đồ đạc nội thất (kiểu dáng, chất liệu, màu sắc) cho bản thiết kế. Cần phải nhấn mạnh về cả kiểu dáng và chất liệu của đồ đạc nội thất, bởi không phải chất liệu nào cũng có màu sắc như mong muốn, nhất là với những chất liệu tự nhiên; cũng tương tự với kiểu dáng – mỗi kiểu dáng, phong cách có những màu chủ đạo riêng mà không thể làm khác, sơn màu khác. Bên cạnh đó, các thành phần khác liên quan trong không gian cũng được xem xét, như mành rèm, tranh ảnh, chiếu sáng… Thiết kế này có thể diễn hoạ trực quan qua phối cảnh 3D để chủ nhà và bản thân kiến trúc sư có thể nhìn rõ hơn (dù đã định hình trong ý tưởng) để hai bên có những trao đổi và điều chỉnh phù hợp.

Để thiết kế này thành những không gian hiện thực, ai cũng hiểu là phải thi công theo đúng thiết kế. Khi đó việc thực hiện sẽ cẩn trọng và công phu hơn. Ví dụ như phải đặt đồ theo đúng thiết kế, hoặc tìm mua được đồ có những yêu cầu như thiết kế. Với đồ mua sẵn, tốt nhất là chủ động tìm hiểu thị trường trước, và “sắp đặt” đồ nội thất đó vào trong bản thiết kế nội thất. Nhưng hãy cẩn thận, bởi từ lúc thiết kế đến lúc đưa đồ nội thất về nhà là khoảng cách ít nhất chừng… nửa năm. Khi ra rước đồ về có thể nó đã không còn. Trong trường hợp này chủ nhà có thể đặt hàng trước cho thứ mình lựa chọn.

Với thiết kế đồng bộ như vậy, sẽ chủ động và tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều trong quá trình thi công, không phải xem màu sơn tường rồi mới tìm đồ (hay ngược lại), cũng như đối với một số công đoạn khác, thành phần nội thất khác. Nhiều hạng mục có thể tiến hành cùng một lúc, sớm và không bị động; được khớp nối tại các thời điểm chuẩn trong quá trình thi công.
 

DiaOcOnline.vn - Theo SGTT