Được đánh giá có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển, nhưng các loại vật liệu xây dựng mới vẫn gặp không ít khó khăn khi ra thị trường, nhất là vấn đề cơ chế hỗ trợ.
Hiện đang thiếu các chính sách ưu đãi cụ thể đối với doanh nghiệp sản xuất vật liệu không nung. Ảnh: Dũng Minh
|
Còn nhiều vướng mắc
Tại Hội nghị vật liệu xây dựng toàn quốc tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá, vật liệu xây dựng là ngành có vai trò trọng yếu hỗ trợ ngành xây dựng, bất động sản phát triển. Vật liệu xây dựng chiếm khoảng 30-40% trong tỷ trọng sản phẩm xây dựng. Đồng thời, chất lượng vật liệu xây dựng quyết định chất lượng và tuổi thọ của công trình.
Theo Phó Thủ tướng, ngành vật liệu xây dựng, bên cạnh những thành quả đạt được thời gian qua, cần quan tâm hơn tới việc phát triển vật liệu xây dựng không nung thay thế vật liệu xây dựng nung. Xu hướng trên toàn thế giới hiện nay là phát triển một cách bền vững trên cơ sở sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Lê Văn Tới, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, việc phát triển vật liệu xây dựng mới đang gặp nhiều nút thắt chính sách. Chẳng hạn, cơ chế cho các doanh nghiệp phát triển vật liệu xanh, thân thiện với môi trường vay vốn ưu đãi lãi suất dù đã được đề ra nhưng các doanh nghiệp ở nhiều địa phương rất khó tiếp cận nguồn vốn này.
Bên cạnh đó, hiện tại Việt Nam đang thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật cần thiết cho các sản phẩm vật liệu mới. Một số tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kỹ thuật cần thiết vẫn chưa được ban hành, hoặc chưa được điều chỉnh kịp thời.
"Việc phát triển công trình xanh cùng với đó là đưa các sản phẩm vật liệu mới vào dự án chưa được quan tâm thích đáng, thiếu đôn đốc trong quản lý, chưa khen thưởng kịp thời những địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt; chưa có sự phê bình, nhắc nhở đối với những địa phương chậm trễ trong việc thực hiện chính sách phát triển vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường", ông Tới cho biết.
Vật liệu nhân tạo, vật liệu xanh lên ngôi
Đồng quan điểm, ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sông Đà Cao Cường cho biết, sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, bền vững là xu hướng phát triển chung của thế giới và là động lực để lĩnh vực này phát triển trong năm 2018 cũng như thời gian tiếp theo. Tuy nhiên, còn thiếu chính sách triển khai cụ thể. Chẳng hạn, theo Quyết định 452/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sử dụng tro, xỉ thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm này sẽ được ưu đãi về thuế, lãi suất...
Tuy nhiên, khi Công ty đến nộp hồ sơ để vay vốn ưu đãi thì ngân hàng cho biết do chính sách mới, sản phẩm tiêu thụ còn khó khăn, nên ngại cho vay. Ngoài ra, thuế đất đối với các đơn vị này cũng chưa được giảm theo quy định do chưa có hướng dẫn chi tiết.
Hơn nữa, đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, theo Quyết định 452, doanh nghiệp được ưu đãi, nhưng thực tế, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng không nung hiện chưa được hưởng chính sách này.
“Cái chúng tôi cần là phải có chính sách cụ thể, ưu đãi cái gì và trong thời gian nào để chúng tôi yên tâm đầu tư, sản xuất”, ông Mát nói.
Cần chính sách cụ thể
Ngoài Quyết định 452, trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 24a/2016 về quản lý vật liệu xây dựng, trong đó dành 1 chương (Chương V) quy định về chính sách phát triển vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đề nghị Bộ Xây dựng cần có hướng dẫn cụ thể hơn về những hỗ trợ và ưu đãi đầu tư với loại vật liệu này.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh một số điểm trong Thông tư 09/2016 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát triển nhà ở chuyển hướng sang đầu tư công trình xanh. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm vật liệu xây dựng thân thiện môi trường.
“Cơ quan quản lý cần quyết liệt thực hiện lộ trình đưa tỷ lệ vật liệu xây dựng không nung vào các công trình xây dựng theo chương trình của Chính phủ. Bên cạnh đó, cần tăng thuế, phí đối với hoạt động sản xuất vật liệu nung. Có như vậy, vật liệu thân thiện môi trường mới có cơ hội phát triển, mang lại hiệu quả chung cho toàn xã hội”, ông Mát nói và khuyến nghị thêm, cần thực hiện nghiêm quy định các Bộ, ngành khi xây dựng trụ sở làm việc phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung, thân thiện môi trường.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản