Ít ai biết Trường đua Đại Nam (Bình Dương) ra đời từ một ý tưởng ngẫu hứng của một người phụ nữ. Và, từ khi nảy sinh ra ý tưởng dẫn tới việc triển khai xây dựng công trình giá trị khoảng 100 triệu USD ấy, vỏn vẹn chỉ… 24 giờ.
Thật vậy, ông Huỳnh Uy Dũng (tức ông Dũng lò vôi) – Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, chủ đầu tư Trường đua Đại Nam, cho biết:
“Vợ tôi (tức bà Nguyễn Phương Hằng – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, vợ ông Huỳnh Uy Dũng- PV) có đặt câu hỏi rằng, tại sao không xây dựng một trường đua ngựa tại Khu du lịch Đại Nam? Lúc đó, tôi ngẫm nghĩ cũng có lý, khi mà trường đua ngựa duy nhất là Trường đua Phú Thọ ở Sài Gòn đã đóng cửa từ lâu.
Các nài ngựa vào vị trí xuất phát. Ảnh: N.X.T
Thế là không bàn ra, cả 2 vợ chồng thống nhất sẽ đầu tư xây dựng Trường đua Đại Nam. Ngay lập tức, ngày hôm sau tôi họp HĐQT Công ty Đại Nam và triển khai ngay các bước xây dựng Trường đua ngựa Đại Nam. Từ lúc phát sinh ý tưởng đến khi triển khai đầu tư xây dựng Trường đua Đại Nam, không quá 24 giờ”.
Không chỉ thế, tiến độ xây dựng Trường đua Đại Nam cũng… cấp tốc không kém và mang đậm phong cách của ông Dũng lò vôi. Liên tục những ngày sau đó, vào giữa năm 2016, ông Dũng đã huy động lớp lớp xe xúc, xe đào, máy ủi… san bằng một đoạn dài tường thành Khu du lịch Đại Nam và bứng hàng ngàn gốc cây cảnh, cây trồng gần chục năm ở khu du lịch, để lấy trọn diện tích 60 ha xây dựng Trường đua Đại Nam.
Hình ảnh đua ngựa tại Trường đua ngựa Đại Nam. Ảnh: N.X.T
Chỉ sau 6 tháng, Trường đua Đại Nam đã thành hình trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Khoảng cuối năm 2017, Trường đua Đại Nam đã đi vào hoạt động gồm 5 loại hình: đua ngựa, chó, môtô, go-kart, jet-ski và biểu diễn fly-board.
Mô hình trường đua “5 trong 1” này lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Trong đó, môn đua ngựa là trọng tâm và được dư luận quan tâm nhất. Đường đua ngựa có chiều dài 1,6 km, rộng 16m trên bề mặt cát mịn. Bao quanh khu vực đường đua là khán đài lắp ghép có sức chứa 18.000 chỗ ngồi, cùng 2 màn hình LED hiện đại.
Theo ông Dũng lò vôi, Trường đua Đại Nam là một trong nhiều hạng mục của tổng thể Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến (gần 700 ha), được đưa vào hoạt động trong hơn 10 năm qua.
Các nài ngựa đang dẫn ngựa đua ra thi đấu. Ảnh: N.X.T
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Phương Hằng – hiện là CEO Công ty cổ phần Đại Nam: “Việc xây dựng Trường đua Đại Nam, vợ chồng tôi mong muốn góp phần vào sự phát triển môn thể thao đua ngựa truyền thống, vốn đang bị mai một. Qua đó, giúp các chủ nuôi ngựa, các nài ngựa… từ rất lâu yêu quí môn đua ngựa, nhưng không có đất dụng võ.v.v…
Trường đua Đại Nam cũng trở thành “điểm nhấn” trên bản đồ du lịch của tỉnh Bình Dương, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Toàn bộ lợi nhuận thu được trong việc bán vé của Trường đua Đại Nam, chúng tôi dùng vào công tác thiện nguyện, cống hiến cho xã hội… Đơn cử thời gian qua, doanh nghiệp chúng tôi đã tài trợ mổ tim miễn phí, giúp cứu sống gần 1.000 em bé bị bệnh tim bẩm sinh trên cả nước”.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động