Giá VLXD liên tục leo thang đã làm cho việc thi công các công trình xây dựng rơi vào tình trạng đình đốn, trì trệ… Nhiều doanh nghiệp xây dựng đang đứng bên bờ phá sản nếu như không thỏa thuận được với các chủ đầu tư trong việc điều chỉnh lại giá VLXD trong hợp đồng. Báo giới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Cung - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) về vấn đề này.
* Ông có thể cho biết nguyên nhân dẫn đến giá VLXD liên tục leo thang trong thời gian qua?
Giá VLXD tăng nhanh trong thời gian qua là do giá nhiên liệu xăng, dầu tăng đã dẫn đến chi phí sản xuất, vận chuyển tăng đột biến… đẩy giá thành sản phẩm bị đội lên. Ngoài ra, việc giá thép trong nước leo thang là do giá phôi thép trên thị trường thế giới tăng mạnh trong khi ngành sản xuất thép nước ta chủ yếu phải dựa vào nguồn phôi thép nhập khẩu nên đã không tránh khỏi sự tăng giá. Bên cạnh đó, việc triển khai đồng loạt các công trình xây dựng trọng điểm và nhu cầu xây dựng của người dân không ngừng tăng lên cũng là tác nhân không nhỏ dẫn đến giá VLXD liên tục leo thang.
Giá VLXD tăng mạnh còn xuất phát từ nguyên nhân “găm hàng” chờ giá lên để trục lợi của một số doanh nghiệp kinh doanh VLXD và tâm lý dự trữ vật liệu của nhiều người dân đã dẫn đến một lượng vật liệu rất lớn không được đưa vào lưu thông, tạo nên sự khan hiếm giả tạo trên thị trường. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng thời điểm giá VLXD có nhiều biến động để làm giá nhằm kiếm lời trước mắt, tạo nên sự mất ổn định của thị trường cũng là một nguyên nhân không nhỏ làm cho giá VLXD tăng.
* Việc nhiều doanh nghiệp khi thấy nhóm giá VLXD nào đấy leo thang liền đổ xô nhau đầu tư sản xuất loại vật liệu này nhằm kiếm lời trước mắt. Hiện tượng trên về lâu dài sẽ dẫn đến nguy cơ gì ?
Hiện nay ở nước ta đang tồn tại một hiện tượng đó là khi thấy loại VLXD nào đó tăng giá, nhiều doanh nghiệp cùng lao vào sản xuất loại vật liệu này. Kiểu đầu tư “ăn xổi” chạy theo tâm lý đám đông như trên chỉ đem lại lợi nhuận trước mắt, về lâu dài thì chứa đựng rất nhiều rủi ro. Bởi khi nhiều đơn vị cùng tham gia sản xuất một loại sản phẩm sẽ dẫn đến khủng hoảng thừa, giá loại vật liệu này sẽ giảm mạnh vì thế nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ, phá sản. Đây là một hiện tượng rất đáng báo động không những tạo nên sự mất ổn định trên thị trường VLXD mà còn nguy hại đến sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.
* Theo ông trong thời gian tới giá VLXD còn xuất hiện đợt tăng giá nào mới hay không?
Theo tôi thời gian tới các loại VLXD không tăng giá bởi thị trường hiện nay đã có sự cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu. Riêng giá thép do chúng ta phụ thuộc vào nguồn phôi thép nhập khẩu nên còn tùy thuộc vào sự biến động của thị trường phôi thép thế giới.
* Để thị trường VLXD phát triển bền vững, cần có những giải pháp nào?
Để thị trường VLXD phát triển ổn định chúng ta cần có một giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào nhóm giải pháp tăng nguồn cung nhằm đảm bảo sự cân đối giữa cung và cầu trên thị trường. Ngoài ra, cần tuyên truyền cho các doanh nghiệp kinh doanh VLXD hiểu rõ việc “găm hàng” tạo nên cơn sốt giả tạo trên thị trường chỉ đem lại lợi nhuận trước mắt mà không đem lại lợi ích lâu dài cho chính các doanh nghiệp cũng như sự phát triển bền vững của thị trường VLXD.