Nhiều nhà đầu tư “đầu cơ” dự án thép

Cập nhật 10/02/2009 08:20

Sau khi Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát tình hình thực hiện quy hoạch ngành thép giai đoạn 2007-2015, Hiệp hội Thép Việt Nam cũng vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ rà soát và đình chỉ những dự án đang xây dựng hoặc sắp xây dựng nhưng thiếu nguyên liệu hoạt động lâu dài.

Trao đổi với PV Báo SGGP, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường (ảnh) nhấn mạnh, đa số các dự án đầu tư nước ngoài vào luyện thép thời gian qua là do các nhà đầu tư “đầu cơ” dự án là chủ yếu.

* Những bất cập về nguồn nguyên liệu có thể nhìn thấy rõ, nhưng vì sao các dự án đầu tư vào thép vẫn tràn lan, đặc biệt là có quá nhiều dự án đầu tư nước ngoài đổ vào ngành thép, thưa ông?

Việc phân cấp cho địa phương được quyền cấp giấy phép đầu tư để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đã được các địa phương tận dụng mà không có sự quản lý ở tầm vĩ mô để tuân thủ theo quy hoạch đã dẫn tới cấp giấy phép ồ ạt, vượt qua thẩm quyền như báo cáo của Bộ Công thương đã nêu (24 dự án).

Trong điều kiện thị trường nhỏ như Việt Nam, việc tỉnh nào cũng xây dựng nhà máy luyện kim (giống như thời kỳ toàn dân làm gang thép ở Trung Quốc thập kỷ 60 của thế kỷ trước) chắc chắn sẽ phá vỡ mọi cân đối và gây lãng phí rất lớn tiềm lực quốc gia. Việc xuất khẩu thép luôn được các chủ đầu tư tính đến trong dự án nhưng không thể quá lạc quan vì thị trường thép thế giới đã có nhiều nhà xuất khẩu thép khổng lồ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Và không chỉ có Việt Nam mà nhiều nước Đông Nam Á cũng đều có dự án liên hợp thép lớn, làm cho cạnh tranh trong xuất khẩu sản phẩm thép sẽ rất khốc liệt, không dễ dàng trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu thép mà chỉ nên dự tính mức độ xuất khẩu tối đa ở mức 10% sản lượng. Trung Quốc sản xuất 500 triệu tấn thép, xuất khẩu đứng đầu thế giới cũng chỉ ở mức 50 triệu tấn và hiện nay cũng đang gặp khó khăn vì nhu cầu thép thế giới giảm thấp, đang tìm mọi cách để hỗ trợ xuất khẩu, giải quyết thép dư thừa.

* Vậy theo đánh giá của Hiệp hội Thép, các siêu dự án đầu tư nước ngoài vào ngành thép, có nhà máy đề nghị công suất lên tới 15 triệu tấn/năm là không tưởng?

Qua theo dõi việc triển khai dự án, tôi thấy đa số các dự án đầu tư nước ngoài vào VN thời gian qua là do các nhà đầu tư “đầu cơ” dự án là chủ yếu. Bắt đầu từ cách thức chọn đối tác, đều là những nhà đầu tư không có tiếng trong ngành luyện kim và cấp phép thì không theo quy hoạch nào cả. Điển hình nhất là Nhà máy Liên hợp thép Tycoon – E.United ở Dung Quất (Quảng Ngãi). Nhà máy này được cấp phép đầu tư năm 2006, ban đầu là liên doanh giữa Tycoon (Đài Loan) và Jinnan (Trung Quốc) với công suất 5 triệu tấn/năm và tổng đầu tư công bố hơn 1 tỷ USD.

Với suất đầu tư quá nhỏ cho 1 tấn công suất đã gây nghi ngờ về tính hiện thực của dự án. Sau một thời gian, Công ty Jinnan rút khỏi dự án và thay vào đó là E.United (Đài Loan) với 90% vốn và đưa tổng mức đầu tư cho liên hợp lên trên 3 tỷ USD. Như vậy, Tycoon rõ ràng là một “anh” môi giới đầu tư vì ở Đài Loan, Tycoon cũng chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, hoàn toàn không đủ năng lực tài chính và công nghệ để làm khu liên hợp thép.

Rồi việc bố trí các liên hợp luyện kim cũng không hợp lý. Riêng khu vực Thạch Khê - Hà Tĩnh có tới 4 dự án liên hợp luyện kim công suất từ 2 - 15 triệu tấn/năm. Đây là một điều không tưởng vì địa phương không thể đáp ứng được các yêu cầu về hạ tầng cơ sở cho cả 4 dự án lớn này. Trên thế giới chưa có nơi nào có thể tập trung các nhà máy luyện kim với công suất lớn như vậy.

* Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương vẫn tiếp tục đề nghị ưu tiên xây dựng nhà máy thép ở những địa phương khó khăn. Theo ông, như vậy có khả thi và tránh được vòng luẩn quẩn thiếu nguyên liệu đã từng xảy ra?

Ở góc độ của mình, Hiệp hội Thép không nhất trí với đề nghị của Bộ Công thương về việc ưu tiên xây dựng xí nghiệp gang thép ở những vùng kinh tế khó khăn nếu địa phương đó không đủ điều kiện cung ứng nguyên liệu ổn định và bảo đảm xử lý môi trường. Hơn nữa các dự án quy mô ở các địa phương xét về mặt hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm và yếu tố môi trường sẽ không bảo đảm phát triển bền vững. Đề nghị rà soát quy hoạch ngành, quy hoạch vùng... để có định hướng đầu tư rõ ràng, phù hợp với điều kiện tự nhiên và hạ tầng kinh tế xã hội.

Theo tôi, việc thẩm định và cấp giấy phép cho các nhà máy liên hợp luyện kim không thể phó mặc cho địa phương mà phải tuân thủ quy chế chặt chẽ có sự tham vấn của chuyên gia để bảo đảm chọn đúng đối tác có tiềm năng tài chính và công nghệ và quản lý để có đủ kinh nghiệm triển khai các dự án luyện kim lớn.

Tại văn bản vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Thép cũng đề nghị tạm thời không cấp thêm giấy phép mới cho các dự án luyện kim ngoài quy hoạch vì đã dư thừa công suất so với nhu cầu, đặc biệt là các dự án sản xuất thép xây dựng thông thường và phải nhập phôi. Giám sát chặt chẽ các dự án đã cấp phép, nếu không thực hiện theo tiến độ đã duyệt mà không có lý do chính đáng thì kiên quyết thu hồi giấy phép. Đối với các dự án FDI lớn cũng cần theo dõi sát tiến độ thực hiện, không cho phép chuyển đổi chủ dự án một cách tùy tiện.

* Xin cảm ơn ông.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng