Sau một thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế, nhiều khu đô thị mới của TPHCM như đô thị mới Thủ Thiêm, đô thị cảng Hiệp Phước, khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa… đang có nhiều dấu hiệu được đầu tư tích cực trở lại.
Thi công hạ tầng tại Thủ Thiêm, quận 2 TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
|
Thủ Thiêm: Làm đường và… nâng cấp bộ mặt
Sau hội nghị thu hút đầu tư vào Thủ Thiêm tổ chức hồi tháng 5-2013 và đặc biệt sau sự kiện lãnh đạo TPHCM họp bàn về chính sách giá cho công tác đầu tư vào Thủ Thiêm theo hướng xem xét hợp lý yếu tố giá cho phù hợp với thị trường bất động sản đang giảm sút và nguồn lực tài chính huy động của nhiều chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, hoạt động đầu tư vào Thủ Thiêm đang có nhiều bước chuyển biến khá rõ nét.
Theo ông Trang Bảo Sơn, Phó ban Quản lý đầu tư xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm, dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường huyết mạch của Thủ Thiêm đang được trình lên UBND TPHCM duyệt và dự kiến sẽ được chính thức thi công vào tháng 9-2013. Ban Quản lý đầu tư xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm xúc tiến công tác ngăn dòng hai con kênh đi qua khu vực thi công các con đường này để sẵn sàng cho việc thi công của nhà thầu trong tháng tới. Các thủ tục “đổi đất lấy hạ tầng” với một số nhà đầu tư cũng đang được Ban Quản lý đầu tư xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm đẩy nhanh tiến độ.
Ngoài ra, để tạo “sinh khí” mới cho Thủ Thiêm, được sự chấp thuận của UBND TPHCM, Ban Quản lý đầu tư xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm đã có kế hoạch “nâng cấp bộ mặt” cho cả khu vực đô thị. Những mặt bằng đã được giải phóng, đã có chủ đầu tư và chủ đầu tư đang trong quá trình làm thủ tục đầu tư sẽ được tạm thời đầu tư thành những khu vực vui chơi, giải trí cho người dân. Trước mắt, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, những khu vực này sẽ được dùng làm nơi tổ chức hội hoa xuân... Dọc bờ sông Sài Gòn, Ban Quản lý đầu tư xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm sẽ cho treo những bảng thông tin điện tử giới thiệu về đô thị mới Thủ Thiêm, về các nhà đầu tư tại đây để tạo sức sống cho cả khu vực.
Gần 8 năm đã trôi qua kể từ ngày đồ án quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm được phê duyệt, có thể nói đây là một trong những thời điểm mà dự án đầu tư xây dựng đô thị mới Thủ Thiêm chuyển động mạnh mẽ nhất. Các năm trước, ngoài lý do gặp khủng hoảng kinh tế, công tác giải phóng mặt bằng chậm, một số chỉ tiêu trong quy hoạch được phê duyệt năm 2005 chưa hấp dẫn nhà đầu tư… đã làm cho việc đầu tư xây dựng Thủ Thiêm không đạt được tiến độ như mong muốn.
Hiệp Phước: Đẩy nhanh tiến độ kết nối hạ tầng
Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) - chủ đầu tư xây dựng Đô thị cảng Hiệp Phước vừa có văn bản kiến nghị UBND TPHCM sớm có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép tổ hợp các nhà đầu tư (SCIC, IPC và các đối tác khác) được tổ chức nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng đường trục Bắc - Nam (giai đoạn 3) và Khu đô thị Hiệp Phước trên cơ sở quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 được phê duyệt. Cùng với đó, IPC cũng đề xuất xây dựng một trung tâm dịch vụ logistics tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 2). Khu logistics này có diện tích khoảng 153ha, đã bồi thường và giải phóng mặt bằng được khoảng 50%.
Đây là một trong những dự án nhằm đón đầu sự thông thương của luồng tàu biển Soài Rạp (dự kiến công tác nạo vét luồng Soài Rạp sẽ hoàn thành vào tháng 6-2014). Nếu khu logistics này hoạt động đạt hiệu quả cao thì IPC sẽ phối hợp các nhà đầu tư khác mở rộng lên khoảng 400ha... Tất cả những động thái này là để chuẩn bị cho sự hình thành của đô thị cảng Hiệp Phước trong tương lai, ông Phạm Xuân Bình, Tổng Giám đốc IPC cho hay. Đến nay, đồ án quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị cảng Hiệp Phước đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc trình lên UBND TPHCM và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã đồng ý về cơ bản đối với nội dung chính của đồ án quy hoạch. Và mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án thành phần trong Khu đô thị cảng Hiệp Phước, nhất là khu vực xây dựng trung tâm logistics. Đồng thời, tập trung nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật; trong đó, chú ý nghiên cứu đầu tư xây dựng nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh theo hướng giảm quy mô và chi phí, sớm hoàn chỉnh việc xây dựng Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước... Đặc biệt, cho phép thu hút nhà đầu tư bằng phương thức “đổi đất lấy hạ tầng”. Được biết, đô thị cảng Hiệp Phước rộng gần 4.000ha trong đó có các khu vực Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 1, 2, 3; khu cảng hạ lưu Hiệp Phước và khu đô thị cảng Hiệp Phước. Đây là khu vực được kỳ vọng sẽ là trung tâm cảng biển và công nghiệp logistic lớn của TPHCM.
Bình Quới - Thanh Đa: có nhà đầu tư mới
So với nhiều khu đô thị mới của TPHCM, đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa được hình thành sớm nhất, từ những năm 90 của… thế kỷ trước. Đô thị này đã làm tốn giấy mực của giới truyền thông khi bị “treo” quá lâu, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân. Nhiều doanh nghiệp đã được giao làm chủ đầu tư đô thị Bình Quới - Thanh Đa nhưng dường như chưa có ai thực sự có duyên với đô thị này… Trong cuộc họp tháng 8-2013 mới đây, lãnh đạo thành phố đã đồng ý giao cho Tập đoàn Bitexco lập đồ án quy hoạch 1/2.000 khu vực bán đảo Bình Quới - Thanh Đa đồng thời làm chủ đầu tư khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa rộng 426ha nằm trong bán đảo. Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, hiện Bitexco đã đề xuất thành phố một số nội dung cơ bản khi làm lại quy hoạch bán đảo Bình Quới - Thanh Đa. Bitexco muốn nhấn mạnh đến chức năng phát triển giáo dục, khoa học công nghệ ở đô thị này thay vì chú trọng đến chức năng khu du lịch - văn hóa, giải trí và dân cư gắn liền với du lịch như quy hoạch của chủ đầu tư trước. Ngoài ra, so với quy hoạch bán đảo Bình Quới - Thanh Đa được lập trước đây, Bitexco còn đề xuất tăng dân số khu vực từ 30.000 dân lên 41.000 - 50.000 dân và xây thêm một số cầu qua sông Sài Gòn nối Bình Quới - Thanh Đa với các khu vực kế cận.
Những năm gần đây, TPHCM đã có nhiều biện pháp tháo gỡ và tạo điều kiện cho nhiều người dân Bình Quới - Thanh Đa được xây sửa nhà, mua bán và làm giấy tờ nhà, đất… Tuy nhiên, động thái này cũng là tin vui đối với người dân tại đây - những người đã từng khốn khổ vì quy hoạch xây dựng đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa bị treo hàng chục năm.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài gòn giải phóng