Nhập khẩu ván MDF nguyên liệu tăng mạnh

Cập nhật 07/01/2008 15:00

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 10 tháng 2007 nhập khẩu ván MDF nguyên liệu đạt 94 triệu USD, tăng 46,87% so với cùng kỳ 2006. Với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ trên 20% như hiện nay, nhu cầu nguyên liệu sẽ ngày càng tăng, nhập khẩu ván MDF sẽ tiếp tục ở mức cao.

Giá nhập khẩu ván MDF trung bình từ đầu năm 2007 tới nay tăng 22,8% so với cùng kỳ 2006, trung bình ở mức 253 USD/m3. ở cùng điều kiện giao hàng, giá nhập ván DMF từ thị trường Malaysia trung bình ở mức 263 USD/m3 - CIF, tăng 26% so với mức giá nhập trung bình cùng kỳ 2006; giá nhập từ Thái Lan trung bình ở mức 219 USD/m3 - CIF, tăng 13% so với mức giá nhập trung bình cùng kỳ; giá nhập trung bình từ Trung Quốc ở mức 297 USD/m3-CIF, tăng 21%, giá nhập trung bình từ Indonesia ở mức 315 USD/m3, tăng 31%….

Nhu cầu ván MDF của toàn thế giới vẫn có xu hướng tăng, cùng với đó giá dầu tăng cao dẫn tới giá keo dán tăng, giá gỗ nguyên liệu tăng… khiến giá ván MDF cũng tăng theo. Do đó, dù sản lượng ván MDF toàn cầu tăng nhưng giá ván MDF vẫn tăng.

Kim ngạch nhập khẩu ván MDF từ thị trường Malaysia 10 tháng đầu năm 2007 đạt trên 32 triệu USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ 2006 và chiếm 34% kim ngạch nhập khẩu ván MDF. Giá nhập khẩu ván MDF của Việt Nam từ Malaysia trung bình nửa đầu năm 2007 ở ứmc 256 USD/m3, tăng 23% so với mức giá trung bình cùng kỳ 2006.

Giá ván MDF dày 15 đến 19mm xuất khẩu của Malaysia nửa đầu tháng 12/2007 ở mức 296 - 322 USD/m3 - FOB, tăng 12-16% so với mức giá cùng kỳ 2006 ở cùng điều kiện giao hàng. Dự báo năm 2008, giá xuất khẩu ván MDF của Malaysia vẫn tăng do nhu cầu tiêu thụ ở mức cao trong khi nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm và giá keo dán cũng tăng do giá dầu đứng ở mức cao.

Kế đến là thị trường Thái Lan, 6 tháng đầu năm 2007, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập từ thị trường này với kim ngạch 27 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ 2006 và chiếm 28,7% kim ngạch nhập khẩu ván MDF. Giá ván MDF nhập khẩu trung bình 6 tháng đầu năm 2007 ở mức 235 USD/m3, cao hơn so với mức giá nhập trung bình cùng kỳ năm trước 20%.

Trung Quốc thị trường cung cấp đứng thứ 3 với kim ngạch đạt 13 triệu USD tăng 117,8% so với cùng kỳ và chiếm 13,8%. Mức giá trung bình nhập từ Trung Quốc là 276 USD/m3, tăng 19% so với mức giá nhập trung bình cùng kỳ.

Theo VTIC