Nguồn cung xi măng sẽ giảm gần 12 triệu tấn

Cập nhật 17/05/2013 09:11

Nguồn cung xi măng cả nước đến năm 2015 sẽ còn 82,6 triệu tấn/năm, giảm gần 12 triệu tấn so với con số 94,2 triệu tấn/năm nêu tại quy hoạch phát triển ngành xi măng được duyệt năm 2011. Nguyên nhân do một số dự án xi măng đưa vào vận hành chậm hơn kế hoạch, một số khác bị loại khỏi quy hoạch.

Một nhà máy sản xuất xi măng tại TPHCM - Ảnh: Văn Nam

Thông tin trên được ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cho biết qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 16-5. Việc điều chỉnh giảm sản lượng công suất toàn ngành xi măng cũng vừa được Bộ Xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2012 - 2015 sẽ có 24 dự án xi măng dự kiến đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế 24,76 triệu tấn xi măng/năm. Tổng vốn đầu tư của 24 dự án này gần 50.000 tỉ đồng, tương đương gần 2,4 tỉ đô la Mỹ, tính ra suất đầu tư trung bình 96,15 đô la Mỹ/tấn xi măng.

Bộ Xây dựng nhận định hầu hết các dự án trên đều chậm tiến độ, khả năng từ nay đến năm 2015 chỉ có 8 dự án có thể hoàn thành phần xây dựng với công suất 10,88 triệu tấn, còn lại 16 dự án không thể hoàn thành, chưa có vốn, lãi vay lớn, đầu tư không hiệu quả.

Như vậy nếu so với quy hoạch phát triển ngành xi măng được duyệt đến năm 2015 cả nước sẽ có 91 dự án xi măng vận hành với tổng công suất 94,2 triệu tấn, sau khi rà soát và điều chỉnh, số dự án khả thi đi vào vận hành vào năm 2015 chỉ còn 76 dự án với tổng công suất 82,6 triệu tấn, giảm 11,6 triệu tấn.

Đầu tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Xây dựng loại 9 dự án xi măng quy mô công suất dưới 2.500 tấn clinke/ngày ra khỏi quy hoạch phát triển ngành xi măng.

Các dự án bị loại khỏi quy hoạch gồm Hà Tiên - Kiên Giang, Trường Sơn - Rô Li, Hợp Sơn, Ngọc Hà, Vinafuji Lào Cai, Thanh Trường, Sơn Dương, Quang Minh, Cao Bằng. Tổng công suất 9 dự án này khoảng 4,2 triệu tấn/năm, toàn bộ 9 dự án này đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa vận hành.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đồng ý giãn tiến độ đầu tư 7 dự án khác sang giai đoạn sau năm 2015 gồm Hệ Dưỡng 2, Mỹ Đức, Thanh Sơn, Tân Thắng, Đô Lương, Tân Phú Xuân, Nam Đông.

Ông Tới cho biết thời gian tới, ngoài việc rà soát lại các dự án xi măng công nghệ lạc hậu, không khả thi loại ra khỏi quy hoạch, việc bổ sung vào quy hoạch dự án xi măng mới cũng được Bộ Xây dựng xem xét rất thận trọng, trước mắt từ nay đến 2015 có thể sẽ không đưa thêm dự án nào vào quy hoạch.

Quy hoạch phát triển ngành xi măng được duyệt năm 2011 phấn đấu đến năm 2015 công suất ngành xi măng đạt khoảng 94,2 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ đến năm 2015 ước đạt 75 - 76 triệu tấn.

Tuy nhiên theo ông Tới, căn cứ vào mức tiêu thụ xi măng trên thực tế gần đây và trong tương lai cũng sẽ thấp hơn dự báo, đến năm 2015 mức tiêu thụ cao lắm cũng chỉ ở mức 70 triệu tấn, trong đó có 60 triệu tấn tiêu thụ trong nước và 10 triệu tấn xuất khẩu. Nếu đạt mức tiêu thụ này thì đến năm 2015 ngành xi măng chỉ đạt 85% công suất thiết kế.

Hiện cả nước có 67 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay với tổng công suất thiết kế 68,6 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, theo ông Tới thì các nhà máy xi măng cả nước hiện chỉ duy trì khoảng 85% công suất thiết kế do cung đã vượt cầu.


DiaOconline.vn - Theo TBKTSG