Ngừng sản xuất để tránh tồn kho

Cập nhật 15/03/2013 09:41

Sản xuất ra không tiêu thụ được hay ngừng sản xuất để tránh tồn kho là điều mà nhiều DN thép băn khoăn lúc này? Điều đó cho thấy, thị trường thép đầu năm mới vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.

Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, sản xuất thép tháng 3 có thể sẽ khá hơn hai tháng trước do nhiều ngày hơn, xa Tết hơn nhưng ước tính cũng chỉ đạt 350 nghìn tấn, trong khi mức trung bình phải là 400 nghìn tấn. Còn tháng 2 vừa qua, tiêu thụ thép chỉ đạt 250 nghìn tấn (do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài), tháng 1 nhiều nhất cũng mới ở mức 403 nghìn tấn.

Sở dĩ dự đoán sản xuất tháng 3 chỉ đạt mức ấy, theo ông Nghi, là do thị trường xây dựng và BĐS vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Các chính sách vĩ mô - dù đã được triển khai - nhưng thực tế chưa tác động gì đến thị trường. Sản xuất ra không tiêu thụ được, giá thành nguyên liệu đầu vào tăng cao nhưng các DN lại không thể tăng giá bán vì cung luôn vượt xa cầu. Thế nên phần lớn các DN sản xuất thép bị lỗ. Tồn kho thép hiện đang ở mức khá cao (khoảng 320 nghìn tấn). Thế nên, nếu khó bán nữa thì DN sẽ ngừng sản xuất chứ không thể cứ sản xuất ra để lưu kho vì phần lớn vốn lưu động của các DN hiện nay là vốn vay ngân hàng. Riêng trong tháng 2 vừa qua đã có 4 DN thuộc VSA ngừng sản xuất, một số khác sản xuất cầm chừng.

Trong khi thép trong nước dư thừa thì năm 2012 vừa qua, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn thép các loại với kim ngạch khoảng 5 tỷ USD

Tiêu thụ chậm nhưng áp lực cạnh tranh trên thị trường thép hiện nay đang ngày càng khốc liệt. Mặc dù nguồn cung đang gấp đôi cầu nhưng trong thời gian tới vẫn có thêm nguồn cung mới nữa. VSA cho biết, năm 2013 sẽ có thêm 5 nhà máy thép đi vào sản xuất với công suất 1,5 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất thép xây dựng cả nước lên 11 triệu tấn/năm. Đó là các nhà máy: Thái Trung ở Thái Nguyên (công suất 500 nghìn tấn/năm), An Hưng Tường ở Bình Dương (250 nghìn tấn/năm), Thép miền Trung (250 nghìn tấn/năm), Thái Bình Dương (250 nghìn tấn/năm) và Thép Dana - Ý ở Đà Nẵng (250 nghìn tấn/năm). Điều này sẽ khiến cho cung vượt xa cầu, càng làm tăng cạnh tranh trên thị trường thép nội địa. Trong khi đó, tiêu thụ thép cả nước hiện nay chỉ khoảng 5 triệu tấn, chưa bằng nửa công suất sản xuất. Riêng năm 2012, tiêu thụ thép xây dựng trong nước chỉ đạt khoảng 5 triệu tấn, giảm 8% so với năm 2011.

Đáng chú ý, trong khi thép trong nước dư thừa thì năm 2012 vừa qua, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn thép các loại với kim ngạch khoảng 5 tỷ USD. Thép nhập chủ yếu là thép xây dựng từ Trung Quốc, thép tấm lá đen, tôn mạ, phôi thép, thép không gỉ, ống thép, thép hàn, thép hình, thép tấm lá cán nóng… Trong khi lượng thép các loại xuất khẩu trong năm 2012 đạt hơn 2 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỷ USD, chưa bằng một nửa kim ngạch nhập khẩu.

Các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới khó khăn trên thị trường thép vẫn còn rất lớn. Vì vậy, các địa phương nên ngừng cấp phép dự án thép mới. Bản thân các DN cũng cần nỗ lực đổi mới công nghệ, tiết kiệm chi phí để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng