Nhiều doanh nghiệp chỉ nhắm đến mục tiêu thu hồi vốn nhanh bằng cách nhập phôi về cán ra thép để bán Hiện nay, cả nước có rất ít nhà máy luyện phôi và đa phần nguồn nguyên liệu phôi thép phải nhập khẩu; các nhà máy chủ yếu chỉ cán thép, giá thành sản xuất cao. Đây là thực trạng đầy nghịch lý của ngành thép VN và là nguyên nhân của những cơn sốt nóng, lạnh về giá thép nhiều năm qua...
Thép thành phẩm tại Nhà máy Thép Thủ Đức - TPHCM
|
Cán nhiều hơn luyện
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ngành thép trong nước đã đi lệch hướng từ đầu khi chỉ lo đầu tư vào phần ngọn mà không đầu tư bài bản từ nhà máy luyện phôi thép tạo ra nguồn nguyên liệu tại chỗ để có giá thành cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp (DN) chỉ nhắm đến mục tiêu thu hồi vốn nhanh bằng cách nhập phôi về cán ra thép để bán.
Hiệp hội Thép VN cho biết hiện công suất các nhà máy thép đang hoạt động lên đến 8 triệu - 9 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu sử dụng thép xây dựng chỉ khoảng 4,5 triệu tấn/năm. Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Thép Việt, nói hiện nay cũng đã có nhiều dự án thép với công suất lên đến 20 triệu tấn đã được cấp giấy phép. Cả nước hiện có khoảng 40 nhà máy thép, trong đó những nhà máy có sản xuất phôi chỉ đếm trên đầu ngón tay và mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% - 60% nhu cầu. Điều đáng nói là những nhà máy sản xuất phôi cũng chỉ làm công đoạn cuối là nhập phế liệu sắt thép về để luyện thành phôi thép chứ chưa luyện được phôi từ quặng. Hiện chỉ mới có Nhà máy Thép Thái Nguyên là có sản xuất phôi từ quặng với sản lượng còn khiêm tốn khoảng 250.000 tấn/năm. Một công ty khác cũng đang sản xuất phôi từ quặng nhưng chưa ổn định do nguồn nguyên liệu còn bấp bênh, phải “chạy” mua từng mẻ.
Lý do các nhà máy thép chưa mặn mà việc luyện phôi từ quặng là do đầu tư quá lớn (từ vài tỉ USD trở lên), còn đầu tư cho nhà máy cán chỉ vài chục cho đến vài trăm triệu USD. Một nguyên nhân khác, theo các DN, do nguồn quặng sắt trong nước không dồi dào, nếu đầu tư nhà máy mà phải mua quặng từ nước ngoài cũng không đem lại hiệu quả kinh tế, do đó họ chọn cách mua phế liệu về luyện hoặc mua phôi về cán.
Thừa - thiếu, do đâu?
Trong khi thép xây dựng dư thừa quá lớn thì thép cho các ngành công nghiệp như đóng tàu, xây dựng cầu đường... lại thiếu. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, cho biết đến thời điểm này vẫn chưa có dự án nào đầu tư để sản xuất thép phục vụ cho ngành công nghiệp. Nguyên nhân là đầu tư tốn kém hơn nhiều so với đầu tư nhà máy cán thép và nhu cầu sử dụng thép trong ngành công nghiệp chưa nhiều nên nhập hàng về sẽ có lợi hơn.
Còn theo lý giải từ các DN ngành thép: Việc đầu tư thiết bị để sản xuất hàng chất lượng cao phục vụ các ngành khác cũng không phải là quá khó, chỉ cần nhập thiết bị là có thể sản xuất ngay. Tuy nhiên, cái khó là ngành cơ khí, ngành chế tạo máy chưa phát triển, nhu cầu từ các ngành này không đủ để DN thép sản xuất thương mại, nếu nhập thiết bị về chạy cầm chừng rồi để đó thì quá lãng phí.
Theo TS Đinh Sơn Hùng, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, quy hoạch phát triển ngành thép chưa hợp lý, không cân đối được cung - cầu, nơi thừa, nơi thiếu. Trong khi chờ đợi điều chỉnh, cần có chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất cho ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp sản xuất nguyên liệu phụ trợ.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động