Nghịch lý cầu - đường chờ nhau

Cập nhật 27/12/2018 14:14

Dự án đường giao thông từ thị trấn Con Cuông đi xã Bình Chuẩn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) được khởi công từ năm 2006 với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng, do UBND huyện Con Cuông làm chủ đầu tư.

Công trình thiết kế tiêu chuẩn đường cấp V miền núi, dài gần 29km nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn của huyện Con Cuông. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thi công, tuyến đường này vẫn không thể đưa vào sử dụng vì nơi xây xong cầu thì chưa xong đường và ngược lại.

Đường làm xong nhưng cầu qua bản Tông (xã Bình Chuẩn) chưa hoàn thành nên người dân phải làm cầu tạm để qua lại

Hiện dự án đã thi công hoàn chỉnh 18km đường trải nhựa. Riêng quãng giữa của tuyến đường, đoạn qua bản Tổng Tiến (xã Đôn Phục) đi bản Quẻ (xã Bình Chuẩn) dài hơn 10km chỉ mới thi công xong phần cốt nền. Trên đoạn đường này có 5 cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu đã xây dựng hoàn chỉnh, nhưng do phải “đợi” đường dẫn nên vị trí tiếp giáp với mố cầu đã xuất hiện nhiều ổ gà, ổ trâu… Vào mùa mưa, mặt đường đất từ các bản Tống Tiến, Xiềng, Hồng Thắng, Hồng Diện (xã Đôn Phục) đến bản Quẻ (xã Bình Chuẩn) luôn lầy lội, dày đặc ổ gà đọng nước. Ô tô lưu thông vừa tránh ổ gà vừa tránh người đi đường và các cháu học sinh trên đường đến trường áo quần đều lấm lem bùn đất. Bà Lương Thị Soa (ở xã Đôn Phục) bức xúc: “Đường thi công dang dở khiến việc đi lại của người dân rất khổ. Trời mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mịt mù”.

Trái ngược với tình trạng cầu “đợi” đường như trên, tại đoạn tuyến qua xã Bình Chuẩn, đường lại “chờ” cầu. Tại xã này, 9km đường nhựa từ trung tâm xã về đến bản Quẻ đã thi công xong. Tuy nhiên, 2 cầu bê tông qua bản Quẻ và bản Tông chỉ mới làm xong mố đấu nối với đường nhựa. Nhiều năm qua, muốn qua 2 vị trí này vào mùa khô, người và phương tiện phải vòng xuống lòng suối để đi lên. Nhưng vào mùa mưa, nước suối dâng cao, người dân xã Bình Chuẩn phải làm tạm 2 cầu bằng ván gỗ và khung tre để qua suối. Một người dân ở bản Quẻ (xã Bình Chuẩn) cho hay, nhiều năm rồi, mỗi khi nước suối lên là người dân lo cầu tạm bị cuốn trôi. Nếu cầu bị trôi thì đồng nghĩa với việc nhiều bản bị cô lập.

Ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết, đến nay huyện đã giải ngân cho các gói thầu được hơn 138 tỷ đồng, số còn thiếu trên 76 tỷ đồng. So với khối lượng xây lắp hiện nay, chủ đầu tư còn nợ đơn vị thi công hơn 10 tỷ đồng. Khó khăn lớn nhất là nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án trên địa bàn quá lớn và do không có để bố trí, dẫn đến tiến độ thực hiện dự án chậm. Huyện đang làm công tác nghiệm thu để thanh lý hợp đồng đối với một số nhà thầu. Còn 10km nhưng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chưa bố trí được, nguồn vốn xây dựng trung hạn sắp tới rất khó khăn.

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP