Từ cuối năm 2007 đến nay, các DN sản xuất xi măng đã phải chịu 3 đợt tăng giá “đầu vào”. Đợt I, sau ngày 22-11-2007, do giá xăng, dầu tăng, bình quân mỗi tấn xi măng chịu thêm 17.500đ chi phí.
Hơn tháng sau, ngày 25-12-2007, cũng với lý do tăng giá xăng, dầu, chi phí cho mỗi tấn xi măng lại cộng thêm 11.000đ. Tuy nhiên, ảnh hưởng nhất là việc tăng giá than, khoảng 75%. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, chi phí “đầu vào” sản xuất xi măng tăng bình quân 40.000đ/tấn.
Tại cuộc họp khẩn với 24 doanh nghiệp (DN) sản xuất xi măng lớn mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, cho hay, khó khăn lớn nhất mà các DN sản xuất xi măng đang phải đối mặt là việc than, nguyên liệu chủ yếu phục vụ sản xuất, tăng liên tục từ đầu năm.
Theo Bộ Xây dựng, Tập đoàn Than và khoáng sản (TKV) không thể căn cứ vào giá than xuất khẩu để tăng giá bán cho các DN trong nước. Bên cạnh đó, TKV cần cải tiến phương thức cung ứng than cho các hộ tiêu thụ lớn như nhà máy xi măng. Hiện nay, TKV trực tiếp ký hợp đồng cung cấp sản phẩm, nhưng thực hiện lại là các đơn vị thành viên, nên thiếu sự gắn kết, gây khó khăn cho DN xi măng.
Sẽ không tăng giá vào thời điểm này
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù phải đối phó với cơn “bão giá” trên thị trường, nhưng các DN sản xuất xi măng đều thống nhất không đề xuất tăng giá trong thời điểm này. Đích thân Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng khẳng định với báo chí, sau cuộc họp khẩn với các DN, giá xi măng xuất xưởng sẽ được giữ ổn định trong 6 tháng đầu năm 2008.
Một trong những giải pháp được Bộ Xây dựng nêu ra là khuyến khích các DN sớm hoàn thiện dự án đang được đầu tư xây dựng để nhanh chóng vận hành dây chuyền sản xuất. Thậm chí, có DN thể hiện quyết tâm cao, như Công ty Xi măng Chinfon đã hứa thưởng 1 triệu USD cho nhà thầu, nếu đưa dây chuyền sản xuất vào vận hành trong tháng 10-2008 (vượt trước thời hạn 3 tháng). Nhiều DN sản xuất chấp nhận lỗ một thời gian để ổn định thị trường.
Trên thực tế, để chủ động ứng phó, hầu hết dây chuyền sản xuất đều vượt công suất thiết kế khoảng 10%, tiêu biểu, như Chinfon và Holcim vượt tới 20%. Cùng đó, lượng xi măng dự trữ hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Đặc biệt, thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đã được Chính phủ phê duyệt, năm 2008 sẽ có thêm 10 dự án đi vào sản xuất; riêng đầu tháng 4 sẽ có 5 nhà máy chính thức hoạt động nên lượng xi măng sẽ được bổ sung thêm khoảng 5 triệu tấn.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Hiệp hội Xi măng Việt Nam và Tổ điều hành thị trường trong nước kiểm tra các điểm bán lẻ 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để phòng ngừa việc đầu cơ tích trữ và tự ý nâng giá bán lẻ tại các điểm giao dịch.
Điều chuyển hàng đến thị trường “nóng”
Một nguyên nhân có tính quy luật của tình trạng khan hàng trên thị trường hiện nay là việc bước vào mùa xây dựng cao điểm, với thống kê nhu cầu tăng đột biến 14% so với những năm trước. Việc này phù hợp với dự báo của Bộ Xây dựng, vì năm 2008 nhiều dự án lớn đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để bước vào xây dựng.
Song, bên cạnh đó là tình trạng thị trường chỉ tập trung mua một số loại, như Hải Phòng, Hoàng Thạch... trong khi các thương hiệu khác cùng chất lượng vẫn đầy kho. Mặt khác, sản lượng hàng chuyển về Hà Nội bằng đường thủy (chiếm 3/4 tổng lượng hàng) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mực nước sông xuống thấp so với mọi năm. Bình quân mỗi sà lan phải rút trọng tải từ 350 tấn, xuống 250 tấn để bảo đảm an toàn.
Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, quý I-2008, lượng sản xuất và xuất kho của các nhà máy xi măng đều đang ổn định. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo các đơn vị tập trung điều tiết thị trường cho phía Nam, vì nhu cầu tại khu vực này chiếm tới 40%, nhưng lượng sản xuất tại chỗ mới chỉ đáp ứng được 20%.
Tại thị trường Hà Nội, Tổng công ty Xi măng Việt Nam cũng đã yêu cầu Công ty Xi măng Hoàng Thạch tăng sản lượng 1500 tấn đến 2000 tấn/ngày; đồng thời, các DN trực thuộc bằng mọi cách vận chuyển hàng về để đáp ứng nhu cầu.
Trên thực tế, mặc dù giá xuất xưởng của DN được giữ nguyên, song, trên thị trường, giá bán vẫn nhúc nhích đi lên, bởi những tác động của cước vận tải và phần nào do các đại lý “mua đứt-bán đoạn” tranh thủ nhu cầu tăng để nâng giá. Ông Trần Quang Tuấn, Chánh văn phòng Tổng công ty Xi măng Việt Nam cho biết: “Chúng tôi chỉ có thể điều hành đơn vị trực thuộc. Còn những đại lý kiểu này cần có sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng khác như quản lý thị trường...”.