Ngành vật liệu xây dựng: Chờ khách “sộp” đầu tư công

Cập nhật 27/06/2012 13:10

Tiếp cận vốn vay ngân hàng dễ hơn và có khách hàng nhà nước tiêu thụ hàng hóa là 2 mong ước lớn nhất của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng hiện nay.

Lượng hàng
hóa tồn kho

Trong 5 tháng đầu năm 2012, sản xuất và tiêu thụ xi măng đều giảm đáng kể. Cụ thể, lượng sản xuất đạt khoảng 19 triệu tấn, giảm 14,41% so với cùng kỳ (22,2 triệu tấn), lượng tiêu thụ đạt khoảng 18,5 triệu tấn, giảm 10,63% so với cùng kỳ (20,7 triệu tấn). Lượng clinker và xi măng hiện còn tồn kho khoảng trên 3 triệu tấn, tương đương trên 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, một nghịch lý là dù sản lượng sản xuất và tiêu thụ đều giảm, nhưng năng lực sản xuất của toàn ngành lại tăng khoảng 10% so với năm 2011. Năm 2012, toàn ngành xi măng có công suất thiết kế khoảng 70 triệu tấn, năng lực khai thác dự kiến đạt từ 62 - 64 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ khó đạt mức dự kiến 53 - 54 triệu tấn (nội địa dự kiến 46 - 47 triệu tấn, xuất khẩu từ 7 - 8 triệu tấn). Dù đạt mức tiêu thụ 54 triệu tấn như dự kiến, thì lượng xi măng dư thừa vẫn khoảng 10 triệu tấn.

Trong 11 dự án xi măng có vốn vay được Chính phủ bảo lãnh với tổng số tiền khoảng 17.000 tỷ đồng, có nhiều dự án lỗ nặng, thậm chí có dự án gần như mất khả năng thanh toán.

Không chỉ xi măng, tồn kho của ngành gốm sứ xây dựng cũng tăng lên trong năm 2012. Nếu tính cả lượng tồn kho lũy kế, thì lượng tồn kho này tăng khoảng 20%, đạt trên 40 triệu m2 gạch ốp lát và trên 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, tương đương khoảng 3.000 tỷ đồng. Như vậy, con số hàng tồn của xi măng và gốm sứ xây dựng vào khoảng 6.000 tỷ đồng.

Sản xuất vật liệu xây không nung từ đầu năm đến nay cũng không mấy sáng sủa, trong đó các dây chuyền sản xuất gạch bê tông nhẹ mới chỉ được khai thác với một tỷ lệ rất thấp, hầu hết sản lượng chỉ đạt 20 - 30% công suất. Tiêu thụ vật liệu xây không nung chỉ được 50 - 60% sản lượng, tương đương với 10 - 15% công suất. Tại khu vực phía Nam có 3 công ty sản xuất gạch bê tông khí chưng áp (AAC) thì 1 công ty đã dừng sản xuất và hiện đang rao bán dây chuyền. Phía Bắc có 3 dây chuyền dừng sản xuất và nhiều công ty trong cảnh không còn kho chứa hàng tồn.

Chờ lối thoát từ đầu tư công

Không những khó khăn đầu ra, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Hiện đa số vẫn phải vay vốn với lãi suất 16,5 -18%/năm.

Tổng giám đốc một công ty thép cho hay, muốn vay vốn ngân hàng phải có tài sản thế chấp hoặc có bảo lãnh của bên thứ ba. Ở thời điểm này, chỉ những tập đoàn, tổng công ty lớn, làm ăn có lãi mới có thể vay tín chấp. Thời gian gần đây, một loạt nhà phân phối của công ty không thể vay được vốn ngân hàng để làm vốn lưu động nhập hàng. “Một căn nhà có giá trị 20 tỷ đồng dùng làm tài sản thế chấp, ngân hàng chỉ cho vay tối đa 12 tỷ đồng”, vị tổng giám đốc trên băn khoăn.

Theo các chuyên gia, hiện nay, thị trường vật liệu xây dựng còn gặp khó khăn hơn cuộc khủng hoảng năm 2008. Bốn năm trước, khi giá sản phẩm trong nước thấp, tiêu thụ chậm, các nhà sản xuất thép Việt Nam có thể xuất khẩu phôi ra nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay, cả trong và ngoài nước đều khó, nên doanh nghiệp khó có lối ra. Thậm chí, trong vòng 2 - 3 tuần trở lại đây, giá phôi thép trên thế giới giảm, kéo theo giá trong nước cũng giảm tương ứng.

Một khó khăn nữa đến từ đặc thù của ngành thép, càng sản xuất cầm chừng càng đội chi phí sản phẩm.

Với các doanh nghiệp ngành xi măng, nửa cuối tháng 6 và tháng 7 là mùa mưa, nên tiêu thụ xi măng sẽ khó khăn hơn. Nhiều công ty đã đưa ra chiến dịch khuyến mại lớn đẩy hàng tồn, đưa ngành xi măng bước vào cuộc đua giảm giá mới, trong khi đó, nguyên nhiên liệu đầu vào tăng trung bình 18%/giá thành sản phẩm.

Lãnh đạo các công ty vật liệu đều cho biết, đã tìm đủ mọi cách tái cơ cấu, tiết giảm chi phí, nhưng vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Theo các doanh nghiệp, lối thoát hiện nay cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng là Chính phủ khởi động trở lại các dự án đầu tư công, dự án lớn sử dụng vốn ngân sách, vốn ODA...

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán