Ngành vật liệu đối diện sức cầu thấp từ thị trường địa ốc

Cập nhật 14/11/2017 13:12

Thị trường bất động sản bước vào giai đoạn dồi dào nguồn cung cũng là thời điểm số dự án khởi công mới càng ít đi trong thời gian tới. Khi đó, thị trường vật liệu xây dựng cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Các doanh nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam sẽ đối mặt sức ép cạnh tranh lớn. Ảnh: Dũng Minh

Số dự án khởi công mới ít đi

Nhận định trên được ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đưa ra tại cuộc họp báo công bố Diễn đàn Bất động sản thường niên lần thứ I diễn ra mới đây.

Theo đó, trong 3 quý đầu năm, thống kê của VNREA cũng như báo cáo từ các sàn giao dịch và đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản cho thấy, tại Hà Nội có khoảng 10.550 giao dịch thành công (giảm 7,5% so với cùng kỳ năm trước); tại TP.HCM có khoảng 11.320 giao dịch thành công (tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước).

Điều này cho thấy 2017 vẫn là một năm thị trường bất động sản có diễn biến khá thuận lợi. Nhờ các giải pháp, chính sách kiểm soát kịp thời đã giúp thị trường có năm ít biến động. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, năm nay, lượng cung sản phẩm bất động sản tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao.

Tổng nguồn cung dự kiến từ nay tới cuối năm ở cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM sẽ chạm mốc kỷ lục. Trong quý cuối năm, số lượng dự án ào ạt đổ ra thị trường và khả năng Hà Nội chạm mốc 35.000 căn, cao gấp 3 lần so với cách đó 4 năm. Con số này ở TP.HCM thấp hơn một chút, ở mức trên 30.000 căn hộ, nhưng cũng là mức cung lớn trong giai đoạn hiện nay.

Theo ông Nam, nguồn cung bất động sản tăng trong quý cuối năm, trong khi sức cầu tăng không kịp sẽ là thách thức khiến cho các doanh nghiệp phải tính toán lại kế hoạch ra hàng hoặc triển khai dự án mới trong năm 2018. Dẫn chứng cho nhận định này, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra các số liệu khảo sát từ các nhà thầu xây lắp cho thấy, mọi năm đến tầm tháng 9 hàng năm, những nhà thầu hàng đầu Contecons và Hòa Bình đã đủ việc làm cho cả năm tới nhưng năm nay thì lại khác. Thời điểm hiện tại, hai tổng thầu xây dựng này vẫn đang phải bàn kế hoạch công việc cho năm 2018.

Ngành vật liệu sẽ chật vật?

Dự báo xu hướng hạn chế khởi công dự án mới trên thị trường bất động sản sẽ tác động tới sức cầu vật liệu xây dựng. Theo báo cáo gần đây nhất của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, kết quả tiêu thụ xi măng trong nước 9 tháng qua cũng chỉ tăng khoảng 4%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 10%.

Theo báo cáo, các mặt hàng chủ đạo là xi măng và clinker đạt tổng sản lượng tiêu thụ khoảng 59,27 triệu tấn, đạt hơn 74% kế hoạch, tăng 6% so với cùng kỳ. Trong số này, tiêu thụ nội địa khoảng 45,28 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ và xuất khẩu ước khoảng 13,99 triệu tấn.

Cùng với đó, sau 3 quý, mặt hàng kính xây dựng của cả nước sản xuất cũng đạt khoảng 141 triệu m2 (quy tiêu chuẩn), bằng 96% so với cùng kỳ năm 2016. Sản xuất gạch ốp lát đạt 416 triệu m2, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016; sứ vệ sinh sản xuất đạt 9,9 triệu sản phẩm, cũng đạt mức tăng nhẹ 4%.

Điều này cho thấy, thời gian qua, thị trường vật liệu xây dựng đang bình ổn dù dự án bất động sản mới thi công vẫn tăng mạnh. Nếu thời gian tới, số lượng dự án khởi công giảm đi do hàng tồn kho lớn, nguy cơ ảnh hưởng đến sức cầu vật liệu là có thể nhìn thấy.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quang Cung, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, thông tin từ một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng của Trung Quốc cho biết, với khẩu hiệu “Trung Quốc sáng tạo và giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ngành vật liệu xây dựng Trung Quốc đang có những bước chuyển mình rất lớn về công nghệ với các sản phẩm ngày càng đẹp hơn và giá cả thấp hơn.

Bên cạnh đó, nhiều hãng vật liệu - nội thất  danh tiếng đến từ Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Italia, Singapore… cũng đang nhắm đến Việt Nam như một thị trường tiềm năng. Đó sẽ là những đối thủ tiềm tàng của các doanh nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam.

Đại diện Hiệp hội Vật liệu xây dựng cho rằng, đây là thách thức rất lớn và không còn lựa chọn nào khác, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong nước phải chú trọng hơn nữa vào việc đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời với việc giảm giá thành… để có thể cạnh tranh sòng phẳng trên sân nhà.    


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản