2 tháng đầu năm 2014, ngành thép vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn do lượng sản xuất, tiêu thụ và giá bán đều giảm so với cùng kỳ năm 2013.
Sắt thép NK qua cảng VICT TP.HCM. Ảnh: T.HÒA
|
Theo thống kê của Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2014 lượng sắt thép thô sản xuất chỉ đạt 283.000 tấn, giảm 26,5%, thép thanh, thép góc đạt 430.000 tấn, giảm 4,7%, so với cùng kỳ năm 2013. Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo nhu cầu thép cả nước năm 2014 không tăng đột biến. Tổng tiêu thụ thép chỉ đạt từ 12,2 - 12,5 triệu tấn, tăng 3-5% so với năm 2013. Do công suất sản xuất thép dư thừa, tiêu thụ trong nước chậm, cạnh tranh giữa các DN sản xuất thép ngày càng khốc liệt, nên dự báo sẽ có thêm DN trong ngành này phải ngừng sản xuất.
Theo thống kê của Viện gang thép Đông Nam Á (SEAISI), năm 2013, Việt Nam là nước có số lượng lớn nhất các dự án thép mới trong khu vực ASEAN. Điều này sẽ làm tăng nguồn cung các sản phẩm trong khi sức mua nội địa còn yếu dẫn đến tính cạnh tranh trên thị trường sẽ gay gắt hơn. Bên cạnh sự mất cân đối về cung cầu, các DN còn phải đối mặt với các sản phẩm thép NK giá rẻ từ Trung Quốc.
Theo nhận định của ông Lê Phước Vũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2014 cùng với sự ấm lên của nền kinh tế thế giới, kinh tế trong nước cũng có dấu hiệu được phục hồi. Tuy nhiên, những vấn đề mấu chốt của nền kinh tế như sức mua nội địa yếu, tăng trưởng tín dụng thấp, lòng tin còn dè dặt… thì thị trường cũng sẽ chưa có sự cải thiện rõ rệt. Với định hướng điều hành kinh tế vĩ mô giảm đầu tư công cùng với tình trạng đóng băng kéo dài của thị trường bất động sản thì lĩnh vực vật liệu xây dựng nói chung và ngành thép nói riêng sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Trong bối cảnh trên, theo ông Lê Phước Vũ, các DN nên tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính của mình, đồng thời xây dựng đồng bộ lợi thế cạnh tranh cho DN. Cụ thể, về chất lượng sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Các DN phải kiên định với mục tiêu tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tiết giảm chi phí sản xuất thông qua quy trình kinh doanh khép kín nhằm kiểm soát tốt chi phí qua từng công đoạn, tối thiểu hóa giá thành để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, các DN cần xây dựng niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm có chất lượng tốt với giá cả hợp lí. Thiết lập kênh phân phối sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng để có thể nắm được lợi thế tuyệt đối so với các đối thủ.
Bên cạnh việc khẳng định vị thế trên sân nhà, DN thép Việt Nam nên tận dụng tối đa các ưu thế về sản xuất và phân phối sản phẩm cũng như các cơ hội trên thị trường quốc tế để mở rộng thị trường XK, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ.
Theo ông Lê Phước Vũ, thị trường XK là một miếng bánh khổng lồ nhưng không dễ dàng giành được. Khi XK các DN Việt Nam cũng phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa giá trẻ của Trung Quốc. Thêm vào đó các sản phẩm thép của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu tại các thị trường quốc tế và khu vực do vậy sẽ gặp phải những khó khăn nhất định khi phát triển tại các thị trường mới này. Đặc biệt, sự thay đổi trên thị trường quốc tế ngày càng nhanh, trong bối cảnh kinh tế các nước vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng rõ ràng, thì chính phủ các nước đang có xu hướng thiết lập hàng rào thương mại thông qua các hình thức chống bán phá giá và tự vệ thương mại để bảo hộ nền sản xuất trong nước. Do vậy, các DN thép Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh và rút ngắn thời gian giao hàng. Bên cạnh đó, trong giai đoạn hội nhập DN cũng cần tìm hiểu để khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại quốc tế như Hiệp định thương mại tự do của Cộng đồng kinh tế ASEAN, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì đây là Hiệp định có vai trò quan trọng trong việc mở rộng hơn cánh cửa để các DN Việt Nam tiến vào các thị trường đầy tiềm năng như Mỹ, Canada, Mexico, Australia…
Kiến nghị kiểm tra NK “Thép hợp kim khác dạng cuộn”
Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) vừa có công văn gửi kiến nghị Tổng cục Hải quan về việc nộp thuế NK trước đối với thép hợp kim khác mã HS 7227.90.00.
VSA cho biết đã nhận được thông tin từ một số thành viên về việc trong năm 2013, một lượng lớn thép cuộn NK từ Trung Quốc vào Việt Nam được chủ hàng khai báo là “thép hợp kim có chứa nguyên tố Boron từ 0.0008% trở lên”, được hưởng thuế suất thuế NK 0%. Do vậy, nên ngoài việc là nguyên liệu cho các xưởng kéo dây, lượng thép trên còn được bán ra thị trường với giá rất thấp so với thép cuộn sản xuất trong nước, sử dụng trong lĩnh vực xây dựng, làm ảnh hưởng đến tiêu thụ thép cuộn trong nước. Vì chứa 0.0008% Boron (chỉ là nguyên tố vi lượng), loại thép này được khai báo là “Thép hợp kim khác” làm ảnh hưởng đến thị trường thép xây dựng trong nước.
Để bảo vệ sản xuất trong nước, VSA đề nghị Tổng cục Hải quan yêu cầu các DN khi NK “Thép hợp kim khác dạng cuộn” mã HS 7227.90.00 phải kê khai thuế suất thuế NK bằng mức thuế suất thuế NK thép cuộn xây dựng thông thường (tức là 20%). Sau khi thông quan, các DN phải đem đi kiểm định, thử thành phần hóa học và đặc điểm cơ lý tính tại cơ quan kiểm định có thẩm quyền để chứng minh lô hàng “thép hợp kim” đã NK không phải là thép cuộn xây dựng thông thường. Nếu chứng minh được là thép hợp kim sau khi kiểm định, các DN sẽ được hoàn thuế NK 20% đã nộp trước đây.
VSA cũng đề nghị Tổng cục Hải quan phối hợp với các cơ quan hữu quan, tiến hành kiểm tra việc NK “thép hợp kim khác”.
DiaOcOnline.vn - Theo Hải Quan