Ngành thép sẽ phục hồi cuối năm 2009?

Cập nhật 13/01/2009 08:20

Hiệp hội thép Việt Nam (VAS) dự báo, với những khó khăn hiện tại kéo dài sang năm 2009, mức tiêu thụ ngành thép sẽ tăng trưởng không đáng kể trong năm tới và đến cuối năm mới có hy vọng phục hồi.

Trồi sụt nhiều hơn là tăng trưởng thật

Theo phân tích của VAS, mức tăng tiêu thụ thép hai tháng cuối năm 2008 đã trở lại mức bình thường, đạt 305 ngàn tấn trong tháng 12, giảm 20,5% so với tháng 11 và giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nhưng nếu so với những tháng trước đó thì mức nói trên vẫn được đánh giá là có những tín hiệu phục hồi khả quan. Có điều, mức tăng đó có thể nói là chưa bền vững, do thép mới nằm ở kho của các công ty thương mại, chưa tới các công trình hay người sử dụng.

Việc mua thép ồ ạt trong hai tháng cuối, theo đánh giá của VAS, có thể nhằm tránh việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 5% lên 10%, bắt đầu áp dụng từ ngày 1-1-2009 đối với sản phẩm thép. Thực trạng này có thể kéo theo những trồi sụt khác trong những tháng đầu năm 2009, và có thể bắt nguồn từ một nguyên nhân khác nữa là thị trường thép thế giới cuối năm vẫn tiếp tục trầm lắng.

Nhiều nước có chính sách kích cầu nội địa nhưng kết quả chưa rõ rệt, nhiều nước xuất khẩu thép lớn khác còn tồn đọng thép với số lượng lớn nên buộc phải cắt giảm sản xuất hoặc điều chỉnh chính sách xuất khẩu lượng thép thừa sang các quốc gia lân cận. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra với nhà sản xuất khổng lồ thế giới về thép là Trung Quốc.

VAS đề cập đến một thông tin cho rằng, kể từ ngày 1-1-2009, Trung Quốc cũng đã áp dụng hoàn thuế VAT cho các sản phẩm thép xuất khẩu. Việc điều chỉnh chính sách xuất khẩu nói trên sẽ ảnh hưởng không thuận lợi cho việc sản xuất và tiêu thụ thép ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trước mắt, VAS khuyến cáo, với các sản phẩm tồn kho giá cao, các doanh nghiệp phải chấp nhận kế hoạch tiêu thụ hợp lý để có tiền vốn quay vòng, nhập tiếp nguyên liệu giá rẻ, sản xuất sản phẩm với giá thành hòa đồng và tiếp cận giá thép mới, tiếp tục duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho công nhân.

Dự báo thận trọng

Trong một dự báo đầu tiên của năm 2009, VAS cho rằng, tổng mức tiêu thụ ngành thép cả nước năm nay sẽ tiếp tục xoay quanh mức 9 triệu tấn. Trong đó, sản xuất thép xây dựng các loại từ 4 đến 4,5 triệu tấn, nhập khẩu từ 5 đến 5,5 triệu tấn; xuất khẩu chừng 0,5 triệu tấn. Những con số này tương tự như tình hình tiêu thụ năm 2008, nhưng lượng cung sẽ luôn vượt cầu.

Ở một dự báo khác, VAS tính toán, nếu các chính sách điều chỉnh kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện kích cầu đầu tư và xây dựng phát huy tác dụng, ngành thép cũng chỉ tăng trưởng được khoảng 2 đến 5% so với năm 2008, trước khi có thể phục hồi nhanh nhất từ cuối năm 2009.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA nói rằng, nguyên nhân và tình hình suy giảm thị trường sản xuất và tiêu thụ của ngành thép cũng tương tự như khó khăn mà tất cả các ngành sản xuất công nghiệp hiện đang vấp phải. Năm 2009, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5% (thực tế đạt được có thể còn thấp hơn) đồng thời với việc khống chế chỉ số giá tiêu dùng cả năm dưới 15%. Những cam kết về việc triển khai các dự án đầu tư có thể bị giảm hoặc chậm lại, làm cho lượng tiêu thụ thép khó có thể tăng cao.

Nhưng ngành thép sẽ chịu thêm một khó khăn trực diện nữa, cũng từ năm nay, là giá một số mặt hàng trọng yếu như điện, nước sạch, than bắt đầu được điều chỉnh theo giá thị trường, sẽ tác động đến chi phí đầu vào của sản xuất và tác động đến giá thành sản phẩm. “Trong đó thép chắc chắn sẽ chịu mức giá điện cao nhất”, ông Cường nói.

VSA cũng chỉ mong muốn rằng, trong một động tác thiết thực nhất có thể, Bộ Tài chính tiếp tục điều chỉnh thuế linh hoạt theo hướng nâng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng Việt Nam có khả năng sản xuất và dư thừa (phù hợp với các quy định của WTO và AFTA), để giúp các nhà sản xuất trong nước tránh được việc bị thép Trung Quốc bán tháo ồ ạt vào thị trường, do dư thừa nguồn cung, dẫn đến tình trạng đóng cửa nhà máy.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG