Ngành thép lãi lớn nhờ bảo hộ?

Cập nhật 27/02/2017 11:23

Chính sách phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép đem lại thuận lợi cho một số doanh nghiệp nhưng người tiêu dùng lại phải mua giá cao

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đánh giá năm 2016 là một năm thành công của ngành thép. Đa số doanh nghiệp (DN) thép có lợi nhuận khá tốt. Nguyên nhân một phần là nhờ Bộ Công Thương áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cho một số mặt hàng thép xây dựng và phôi thép trong nước nên đã hạn chế được thép giá rẻ Trung Quốc nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Lợi nhuận tăng đột biến

Tập đoàn Hoa Sen vừa báo cáo niên độ tài chính 2015-2016, cho thấy kết quả kinh doanh tăng trưởng ngoạn mục so với năm trước. Doanh thu của tập đoàn đạt 17.894 tỉ đồng, vượt 25% kế hoạch, trong đó doanh thu xuất khẩu chiếm gần 40% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.504 tỉ đồng, tăng 130% so với niên độ trước. Đến hết năm 2016, Tập đoàn Hoa Sen chiếm hơn 30% thị phần tôn mạ và hơn 20% thị phần ống thép trong nước, sản phẩm tiêu thụ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các doanh nghiệp thép có kết quả kinh doanh đột biến trong năm 2016 Ảnh: TẤN THẠNH

Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng công bố tổng doanh thu năm 2016 đạt gần 34.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.600 tỉ đồng, tăng tương ứng 34% và 89% so với năm 2015. Đây là năm Hòa Phát có doanh thu và lợi nhuận cao nhất từ ngày thành lập tập đoàn.

Không chỉ các DN thép tốp đầu lãi lớn mà các DN có thị phần nhỏ cũng có được kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng. Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC lãi sau thuế năm 2016 đạt 368 tỉ đồng, đột phá so với mức lỗ gần 196 tỉ đồng năm 2016. Công ty CP Thép Việt Ý cũng ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến, với 73 tỉ đồng, trong khi năm 2015 lỗ gần 52 tỉ đồng. Công ty CP Thép Dana - Ý cũng báo lãi gấp 2,5 lần năm trước, đạt 24,5 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA, cho rằng năm 2016 là một năm rất thuận lợi với kết quả kinh doanh rất khả quan của ngành thép. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng trong đó, theo ông Sưa, chủ yếu vẫn là do nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng tốt làm gia tăng nhu cầu sử dụng thép. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ với các loại thép nhập khẩu, như việc áp thuế 23,3% với phôi thép và 14,2% với thép dài, đã tạo thuận lợi hơn để các DN trong nước gia tăng tiêu thụ, sản xuất. Ngoài ra, giá thép thế giới cũng như trong nước năm qua tăng liên tục đã giúp cho các DN sản xuất, nhất là DN có lượng hàng tồn kho giá rẻ lãi lớn.

Tự vệ - tự... hại!

Liên quan đến lợi nhuận của một số DN sản xuất thép trong nước xuất phát từ chính sách áp dụng thuế phòng vệ thương mại của cơ quan quản lý, một số DN nhập khẩu thép cho rằng các chính sách đều có 2 mặt nhưng nên cân nhắc để có lợi cho cả nền kinh tế.

Theo ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thép Khương Mai, việc áp dụng chính sách phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép đem lại thuận lợi cho một số DN sản xuất thép trong nước nhưng người tiêu dùng lại phải mua giá cao. Đặc biệt, sau khi áp thuế phòng vệ, giá thép tăng lên khiến các ngành sản xuất có thép là nguyên liệu đầu vào cũng gặp khó khăn vì chi phí tăng, nhất là các ngành cơ khí, xây dựng…

Với một số mặt hàng DN thép trong nước chưa sản xuất được, việc áp thuế phòng vệ thương mại lại gián tiếp ảnh hưởng đến các ngành khác khiến giá bị đội lên, khó cạnh tranh. Nếu trong nước sản xuất được, đủ cung cấp thì nên hạn chế nhập khẩu. Do đó, theo ông Đinh Công Khương, chính sách của cơ quan quản lý nên cân nhắc để có lợi cho các DN trong nhiều ngành.

Theo ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Việt, mặc dù cuối năm 2016, Việt Nam áp dụng biện pháp áp thuế tự vệ đối với mặt hàng thép cuộn nhưng một số nhà nhập khẩu đã “lách” quy định, nhập khẩu thép cuộn theo mã hàng khác để không phải chịu thuế tự vệ. Vì thế, tính chung cả năm, lượng thép cuộn nhập khẩu vẫn tăng gấp đôi năm 2015. Năm nay, nếu các chính sách phòng vệ thương mại được thực thi hiệu quả sẽ hỗ trợ nhiều cho sản xuất trong nước, doanh nghiệp trong nước sẽ phát triển được.

Khó tăng trưởng mạnh

Dự báo năm 2017, ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng ngành vật liệu xây dựng, tôn, thép sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng gặp không ít thách thức. Bởi lẽ, năm 2016 tăng trưởng đã khá cao rồi nên kỳ vọng tăng nữa sẽ khó nếu bản thân các DN không cố gắng vượt bậc. Chưa kể, giá cả thế giới rất khó đoán, đồng thời các nước đang mạnh tay hơn trong việc điều tra, chống bán phá giá thép của các DN xuất khẩu.

Theo VSA, năm 2017, ngoài việc tiếp tục tham gia góp ý, phản biện chính sách cho ngành thép, phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, hiệp hội sẽ đẩy mạnh theo dõi diễn biến thị trường nguyên liệu và bán thành phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường trong nước.


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ