Ngành thép khủng hoảng, chính phủ Anh họp khẩn

Cập nhật 01/04/2016 10:38

Hôm qua 31-3, Thủ tướng Anh David Cameron đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp với một số bộ trưởng để bàn phương hướng tháo gỡ cuộc khủng hoảng ngành thép sau khi tập đoàn thép lớn nhất Ấn Độ Tata Steel tối 29-3 tuyên bố sẽ bán tất cả nhà máy thép tại Anh để cắt lỗ.

Các tấm băng rôn treo bên ngoài nhà máy thép Port Talbot, ở South Wales, Anh kêu gọi bảo vệ ngành thép. Ảnh: Telegraph

40.000 người có thể mất việc

Quyết định của Tata Steel, nhà sản xuất thép lớn nhất nước Anh, có thể khiến 40.000 người ở Anh mất việc, bao gồm 15.000 nhân công tại các nhà máy thép của Tata Steel ở Anh và 25.000 người làm việc trong chuỗi cung ứng của ngành thép.

Thủ tướng David Cameron đã phải rút ngắn kỳ nghỉ ở đảo Lanzarote (Tây Ban Nha) để trở về Anh triệu tập cuộc họp khẩn cấp trên.

Báo Telegraph đưa tin phát biểu với báo chí sau cuộc họp, ông David Cameron nói: “Tình hình ở Port Talbot (nơi đặt nhà máy thép lớn nhất của Tata Steel tại Anh) rất đáng lo ngại... Chính phủ sẽ làm mọi điều có thể và sẽ làm việc với Tata Steel để bảo toàn tương lai của hoạt động sản xuất thép ở Port Talbot và trên khắp các nước”.

Khi được hỏi chính phủ có cân nhắc đến phương án quốc hữu hóa các nhà máy của Tata Steel hay không, ông Cameron nói: “Tôi không cho rằng quốc hữu hóa là giải pháp đúng”.

Trước đó, lãnh đạo đảng Lao động đối lập Jeremy Corbyn hối thúc ông Cameron phải xem tình hình nguy ngập của ngành thép như là một cuộc khủng hoảng quốc gia bằng cách triệu tập cuộc họp quốc hội để thảo luận các biện pháp tháo gỡ, bao gồm cân nhắc phương án quốc hữu hóa các nhà máy của Tata Steel.

Một kiến nghị kêu gọi ông Cameron “hành động ngay lập tức để bảo vệ ngành thép” đăng trên trang website quốc hội Anh đã nhận được gần 104.000 chữ ký ủng hộ. Theo quy định, kiến nghị nào nhận được 100.000 chữ ký ủng hộ sẽ được xem xét đưa ra thảo luận tại quốc hội.

Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne, đang dự hội nghi bộ trưởng tài chính khối G20 tại Paris (Pháp), cho biết ông đã đề cập đến cuộc khủng hoảng ngành thép với các bộ trưởng khác.


Thủ tướng Anh David Cameron trả lời phỏng vấn báo chí sau cuộc họp khẩn thảo luận cuộc khủng hoảng ngành thép. Ảnh: Telegraph
Mối đe dọa đến từ Trung Quốc

Các quan chức Tata Steel cho biết trong 5 năm qua, hoạt động kinh doanh của tập đoàn này tại Anh chịu thua lỗ tới 2,9 tỉ đô la Mỹ.

Hiện nay, các nhà máy của Tata Steel ở Anh đang phải chịu lỗ khoảng một triệu bảng Anh/ngày do nhu cầu thép suy giảm trên toàn cầu và thép giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập châu Âu.

Một nguồn tin của Tata Steel cho biết việc chính phủ Anh không ủng hộ các lời kêu gọi áp thuế cao hơn với thép nhập khẩu giá rẻ Trung Quốc vào châu Âu là “giọt nước tràn ly” khiến Tata Steel quyết định bán các nhà máy tại Anh.

Tháng trước, Bộ trưởng Bộ Kinh doanh Anh Sajid Javid phản đối các lời kêu gọi hủy bỏ một quy định khống chế mức trần đánh thuế của Liên minh châu Âu (EU) đối với thép lá cán nguội Trung Quốc ở mức 16%. Ông Sajid Javid nói bãi bỏ quy định này sẽ khiến người tiêu thụ thép ở châu Âu phải gánh chịu chi phí lớn. Trái lại, Mỹ đã áp thuế lên đến 266% đối với thép lá cán nguội của Trung Quốc.

Nghị sĩ đảng Lao động Stephen Kinnock nói chính phủ Anh “quan tâm đến việc trải thảm đỏ cho Bắc Kinh hơn là bảo vệ công nhân thép của Anh”. Ông chỉ trích chính phủ Anh nỗ lực vận động cho Trung Quốc được công nhận là nền kinh tế thị trường tại Tổ chức Thương mại thế giới mặc dù nhà nước Trung Quốc sở hữu phần lớn ngành công nghiệp thép của Trung Quốc.

Ông nói Anh là “nước cầm đầu” trong nỗ lực ngăn cản Ủy ban châu Âu cải cách các chính sách chống bán phá giá ngăn chặn thép giá rẻ Trung Quốc tràn ngập vào châu Âu. “Chính sách thương mại của chúng ta, cách tiếp cận của chúng ta đối với thương mại và sản xuất, chiến lược công nghiệp tổng thể của chúng ta, đều bị Bắc Kinh dẫn dắt”, ông Kinnock nói.

Tổng giám đốc Hiệp hội Thép châu Âu Axel Eggert cho biết tình hình ngành công nghiệp thép của châu Âu đang nguy ngập và Anh chỉ là một trong những nước đang lâm vào cuộc khủng hoảng của ngành thép.

Các công ty thép châu Âu cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay là do các công ty thép nhà nước Trung Quốc, Nga, Belarus được hưởng các khoản vay và hỗ trợ của nhà nước, cho phép họ bán thép dưới giá thành, khiến các công ty thép châu Âu không tài nào cạnh tranh nổi. “Nhu cầu thép ở châu Âu đang tăng nhưng giá thép lại giảm. Đây là điều bất thường và rõ ràng có dấu hiệu méo mó thương mại lớn”, ông Eggert nói.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG