Ngành thép Đông Nam Á nỗ lực thoát khỏi sức ép của TQ

Cập nhật 24/06/2016 10:11

Trong khi cơn bùng nổ xây dựng đẩy cao nhu cầu thép khắp Đông Nam Á, các nước như Việt Nam, Indonesia và Thái Lan đang tìm cách đương đầu với thép nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc bằng cách đổi mới công nghệ sản xuất hoặc áp thuế tự vệ, hãng tin Reuters ngày 22-6 cho biết.


Đổi mới công nghệ

Thép Trung Quốc đang gặp khó tại Mỹ và châu Âu khi bị các cơ quan chức năng tại hai thị trường này quyết liệt áp thuế chống bán phá giá nhưng tại một số nước ở Đông Nam Á, lượng thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm đến 2/3 lượng thép tiêu thụ mỗi nước. Trong số 10 khách hàng nhập khẩu thép Trung Quốc lớn nhất, có 6 khách hàng đến từ Đông Nam Á. Thép Trung Quốc được dự báo sẽ chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á trong nhiều năm nữa.

Tuy nhiên, nhu cầu thép tăng mạnh đang thúc bách các nỗ lực ở các nước như Việt Nam và Indonesia xây dựng nhiều nhà máy thép hiện đại hơn để cạnh tranh với các nhà máy thép rộng lớn của Trung Quốc.

“Trung Quốc là thế lực lớn với nguồn cung thống lĩnh thế giới nhưng chúng tôi đã có những giải pháp để ứng phó”, ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát, công ty thép lớn nhất Việt Nam, nói với hãng tin Reuters. Hòa Phát đang đặt mục tiêu nâng công suất thép lên 6 triệu tấn/năm trong vòng 5-10 năm tới bằng cách sử dụng công nghệ lò cao hiện đại.

Ông Trần Tuấn Dương cho biết tiêu thụ thép của Việt Nam tăng vọt 34% trong năm tháng đầu năm 2016. Ông dự báo nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tăng hơn 10%/năm trong 10 năm tới khi tăng trưởng kinh tế nhanh thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng.

Công ty thép lớn nhất Indonesia Krakatau cũng đang triển khai xây dựng một lò cao hiện đại với công suất 1,2 triệu tấn thép/năm ở phía tây Jakarta.

Công suất giảm vì thép Trung Quốc

Trung Quốc đã thổi bùng căng thẳng thương mại toàn cầu khi đẩy mạnh xuất khẩu thép tăng vọt lên các mức kỷ lục khi công suất thép dư thừa ở nước này ước tính hơn 300 triệu tấn/năm, tức gấp ba sản lượng thép hàng năm của Nhật Bản.

Các nhà sản xuất thép ở Đông Nam Á chịu tổn hại nặng nề khi nhiều nhà máy sử dụng lò nung hồ quang điện để nung chảy sắt phế liệu của họ không thể cạnh tranh với các lò cao của Trung Quốc sử dụng nguyên liệu quặng sắt giá rẻ. Lò hồ quang điện là loại lò mà nhiệt nung chảy kim loại được tạo ra do sự phóng điện giữa hai điện cực.

Nhiều nhà máy sử dụng lò nung hồ quang điện ở các nước Đông Nam Á đã phải tạm ngưng hoạt động. Chủ tịch Hội đồng Sắt thép ASEAN (AISC) Roberto Cola cho biết công suất thép của các nhà máy ở Đông Nam Á đã giảm từ mức 65% xuống dưới mức 40% sau khi hiệp định tự do thương mại ASEAN-Trung Quốc có hiệu lực vào năm 2010, trong đó, có các điều khoản cắt giảm thuế nhập khẩu hàng loạt hàng hóa, bao gồm thép.

Ông Trần Tuấn Dương cho biết Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước Đông Nam Á về mặt hàng thép. “Tuy nhiên, hiệp định tự do thương mại bao gồm cả Trung Quốc và tất cả vấn đề xuất phát từ đó”, ông nói.

Công ty tư vấn thép MEPS (Anh) cho biết Việt Nam là thị trường thép lớn thứ hai của Trung Quốc trong năm 2015 với lượng thép nhập khẩu lên đến 10,11 triệu tấn. Trong khi đó, sản lượng thép của Việt Nam trong cùng năm chỉ ở mức 6,1 triệu tấn, theo Hiệp hội Thép thế giới.

“Đông Nam Á đang đứng trước với tình thế con gà và quả trứng. Thép nhập khẩu giá rẻ có lợi cho phát triển kinh tế của ASEAN nhưng lại cản trở khả năng phát triển ngành thép của khu vực”, nhà phân tích Jeremy Platt ở Công ty MEPS, nhận định.

Đẩy mạnh áp thuế chống phá giá

Một số nước trong khu vực đang áp thuế tự vệ đối với thép Trung Quốc để bảo vệ ngành công nghiệp thép trong nước. Mới đây, Việt Nam đã áp thuế chống phá giá tạm thời từ 14-23% đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc và một số nước khác.

Bộ Thương mại Thái Lan cũng đang sắp hoàn tất dự thảo luật chống phá giá và dự kiến sẽ thông qua luật này vào cuối năm 2016. Động thái này diễn ra khi các nhà sản xuất thép Thái Lan đang hy vọng sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu thép trong nước tăng vọt.

Chủ tịch Hội đồng Sắt thép ASEAN Roberto Cola dự báo tiêu thụ thép ở ASEAN sẽ tăng lên 80 triệu tấn vào năm 2018 từ mức 70 triệu tấn năm 2015 trong bối cảnh Indonesia và Philippines chuẩn bị triển khai một danh mục khổng lồ dự án cơ sở hạ tầng.

Giá cổ phiếu của các công ty thép trong khu vực đang tăng mạnh mẽ. Giá cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát đã tăng 35% trong năm nay, trong khi đó, giá cổ phiếu của Tập đoàn Hoa Sen tăng đến 94%. Tại Indonesia, giá cổ phiếu thép của công ty Krakatau đã tăng 123%.

Tại Thái Lan, các công ty thép đang kỳ vọng tiêu thụ thép tăng trưởng lần đầu tiên trong ba năm qua khi chính phủ nước này khởi động các dự án cơ sở hạ tầng trị giá 50 tỉ đô la Mỹ. Giá cổ phiếu của Công ty thép Tata Steel Thailand, công ty con của tập đoàn thép Tata Steel (Ấn Độ) đã tăng gần 40%.

Trong tháng 4-2016, Tata Steel Thailand phải hủy một số chuyến hàng xuất khẩu sang Ấn Độ để cung cấp thép cho thị trường Thái Lan.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG