Ngành sản xuất vật liệu xây dựng trước những nỗi lo mới

Cập nhật 01/02/2015 08:04

Sau thời gian dài ảm đạm, thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) đang dần ấm lên theo nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa của người dân. Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho cao cùng với giá điện tăng đã đẩy các doanh nghiệp đứng trước những nỗi lo mới.


Giá điện, xăng dầu hiện chiếm khoảng 30% trong cơ cấu giá thành sản xuất của ngành xi măng, điện tăng đã đẩy các doanh nghiệp đứng trước những nỗi lo mới.

Trong khi hàng tồn kho vẫn chưa có hướng giải quyết và thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn trước, thì việc giá điện có thể tăng 9,5% theo đề xuất của Tập đoàn Điện lực (EVN) đã khiến cho nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất VLXD lo lắng bởi, không chỉ phải đối mặt với việc tăng chi phí về điện, mà giá nguyên liệu đầu vào có thể theo đuôi, làm đội chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm.

Giá xăng vừa giảm, doanh nghiệp chưa kịp mừng thì giá điện lại tăng. Giá điện tăng sẽ ảnh hưởng nhiều đến ngành xi măng bởi lẽ giá sản phẩm không thể tăng lên được nữa. Lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm đáng kể và hầu hết doanh nghiệp sản xuất xi măng sẽ lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Còn theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trung bình 1 tấn thép cần khoảng 600kWh điện, chi phí sản xuất thép cũng tăng theo, trong khi những tháng qua, giá bán thành phẩm cũng giảm khoảng 10% do sức cạnh tranh với thép ngoại. Điều này sẽ làm cho các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn hơn nữa khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hoá nhập khẩu.

Cùng chia sẻ nỗi lo, ông Phan Văn Diễn, Tổng Giám đốc Công ty Cosevco 6 - một doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn khu vực Bắc Trung bộ tính toán, nếu mức tăng 9,5% giá điện bán cho xi măng, tức là sẽ tăng khoảng 150 đồng mỗi kWh. Tuy mỗi tấn xi măng tính ra không đáng bao nhiêu tiền điện, nhưng chỉ cần giá điện tăng thì mọi chi phí khác cũng tăng theo. Trong khi đó, thị trường bất động sản dù đã có những dấu hiệu ấm lên, xi măng tồn kho vẫn ở mức cao. Để giữ thị phần, thời gian qua, doanh nghiệp này đã phải cố gắng giảm nhiều chi phí nhằm bán không dưới giá thành.

Theo một số chuyên gia đánh giá, nếu xét về khía cạnh tích cực thì đây là một trong những động lực để các doanh nghiệp phải tiết kiệm, giảm tiêu hao điện nhiều hơn trong sản xuất; đồng thời buộc các doanh nghiệp phải sử dụng công nghệ sản xuất tốt hơn để nâng được tính cạnh tranh với các mặt hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, việc tăng giá cước điện lên một cách đột ngột như vậy sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp, gây sức ép lên nền kinh tế và tất yếu các mặt hàng sắt thép, xi măng… vốn là ngành tiêu tốn nhiều điện năng sẽ đội giá. Giá thành sản phẩm các mặt hàng này trong nước cao, thì sẽ cạnh tranh không hiệu quả với các sản phẩm tương tự được nhập khẩu từ nước ngoài về.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng