Thoạt nghe tưởng chừng đó là nghịch lý nhưng với các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam (HHTLVN) đây là một vấn đề hết sức nghiêm túc. Bài toán tăng giá sàn có sự hỗ trợ tích cực từ phía Hiệp hội Tấm lợp thực sự đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
So với nhiều VLXD khác thì tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tấm lợp nói chung chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế không nhiều. Mặt khác, do đặc điểm của ngành tấm lợp A/C là suất đầu tư thấp, sản xuất đơn giản, chu trình công nghệ ngắn nên khi có nhu cầu là có thể tăng sản lượng 20 - 30%, nhất là sau các cơn bão lũ. Vì vậy, sản lượng của ngành tấm lợp ít bị suy giảm, sản phẩm làm ra đều được tiêu thụ 100%, việc tồn kho cũng chỉ là nhất thời chứ không có tình trạng lưu cữu năm này sang năm khác. Cả nước hiện có 44 nhà máy sản xuất tấm fibro - xi măng trong đó chỉ có 04 đơn vị phải ngừng sản xuất từ năm 2008 do sản xuất và tiêu thụ đình trệ, không đủ tiền trả lương công nhân và lãi vay ngân hàng.
Theo tính toán của HHTLVN, giá bán trung bình trong 5 năm (2005 - 2009) của tấm lợp là 18.700 đồng/m2, tương đương 26.180 đồng/tấm, bằng 40% giá ngói đất nung và 20% giá tôn mạ kẽm. Giá bán trung bình của năm 2009 đạt mức 32.060 đồng/tấm. Trên thực tế thị trường giá bán khu vực miền Nam thường cao hơn giá bán ở miền Bắc từ 10 - 16 ngàn đồng/ tấm. Tuy nhiên, ngay tại mỗi miền giá bán cũng chênh lệch nhau từ 4 - 6 ngàn đồng/tấm. Việc chênh lệch phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng sản phẩm được quyết định bởi nguyên liệu đầu vào, quy trình công nghệ - thiết bị hiện đại, thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh đó có những doanh nghiệp sẵn sàng hạ giá thấp hơn các đơn vị hàng chục ngàn đồng/tấm làm ảnh hưởng đến đơn vị cùng Hiệp hội.
Nếu theo tính toán của HHTLVN, trong năm 2010 với biến động giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu cho ngành tấm lợp (giá than, điện tăng 6%, giá xi măng, amiăng, bột giấy, nước và vận tải đều tăng) giá thành xuất xưởng của 1 tấm lợp vào khoảng 28.000đồng/tấm, tăng 5% so với cuối năm 2009. Tuy nhiên vẫn có những đơn vị bán giá chỉ 20 - 22 ngàn đồng/tấm. Ông Lê Minh Phúc - Phó Chủ tịch HHTLVN khẳng định với mức giá bán thấp như vậy DN chỉ có thể “ăn cắp” của người tiêu dùng ngay từ khâu sản xuất bằng cách giảm 10% kích thước tấm lợp so với quy chuẩn, giảm 20% lượng amiăng hoặc sử dụng xi măng mác thấp. Những sản phẩm này nhìn bề ngoài hình thức như nhau nhưng khi dùng mới biết, nhanh hỏng và dễ vỡ trong quá trình vận chuyển.
Nâng giá bán để duy trì chất lượng - bài toán đó đã được HHTLVN nêu ra để các doanh nghiệp cùng bàn bạc, thống nhất. Việc đưa ra một khung giá sàn (bắt đầu từ quý II/2008) ở mức 24.000 đồng/ tấm đã giúp các đơn vị thu thêm vài trăm triệu mỗi tháng. Các đơn vị sẵn sàng đặt cọc cho Hiệp hội vài chục triệu đồng để cam kết thực hiện Nghị quyết về giá. Và tính đến hết quý I/2010 mức giá sàn tại cổng nhà máy được thống nhất lên tới 30.000 đồng/tấm đã giúp cho các đơn vị tăng thu nhập hàng chục tỷ đồng, tránh lỗ do giá chi phí sản xuất.
Tuy nhiên, ông Lê Minh Phúc - Phó Chủ tịch HHTLVN thừa nhận do đặc thù của ngành tấm lợp là chất lượng cũng như kích thước không được giám sát chặt chẽ nên giá cả khó thống nhất , để tồn tại các doanh nghiệp vẫn tự chọn mức giá cho mình ngay cả khi biết rõ điều đó ảnh hưởng đến quyền lợi của các đơn vị bạn. Ông Phúc cũng khuyến cáo người tiêu dùng khôn ngoan nên tìm hiểu và quyết định sử dụng sản phẩm của những thương hiệu đã có uy tín để có được những tấm lợp chất lượng tốt và giá cả hợp lý.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng