Mừng lo cổ phiếu BĐS tăng nóng giữa thị trường lạnh

Cập nhật 06/12/2007 15:00

 Trong vòng 2 tháng từ 04/10 đến 03/12, thị trường mất tròn 100 điểm từ 1.087 xuống còn 987 điểm. Tuy nhiên trong khi VN - Index trên đà trượt dốc, vẫn có một loại cổ phiếu lội ngược dòng đi lên mạnh mẽ. Đó là CP bất động sản.

Thời của cổ phiếu bất động sản?

Trước đó, vào tháng 9 và tháng 10, cổ phiếu BĐS càng có ấn tượng mạnh khi hàng loạt mã loại này đều tăng vượt bậc so với cổ phiếu các ngành khác.

Ấn tượng nhất là VIC của Công ty cổ phần Vincom - lên sàn từ giữa tháng 9, với giá khởi điểm 125.000 đồng/cp đã tăng liền một mạch 70% lên 181.000 đồng/cp vào gần cuối tháng 10.

 Kế đến là HDC, Công ty Phát triển nhà Bà Rịa Vũng Tàu - lên sàn vào tháng 10, đạt đỉnh cao 141.000 đồng/cp, tăng 60% so với giá mới lên sàn.

Dù trên sàn hay OTC, cổ phiếu BĐS vẫn luôn luôn tăng, mặc dù thị trường có thể đang giảm. Đ.Vỹ Trên thị trường phi tập trung, cổ phiếu của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã biểu diễn một đồ thị đi lên ngoạn mục.

Tại thời điểm 140.000 đồng/cp, công ty này đã bán ra thêm 10 triệu cổ phiếu cho các đối tác chiến lược với giá 150.000 đồng/cp, khiến ngay ngày sau đó giá cổ phiếu công ty này tăng vụt lên 175.000 đồng/cp.

 Với những thông tin tốt như giá trị sổ sách chỉ trên 1.000 tỷ đồng nhưng giá trị thực tế đến 10.000 tỷ đồng, đang sở hữu hàng chục ngàn héc ta đất đai với 28 dự án căn hộ và văn phòng cao cấp cùng với 20.000ha cao su, 8 nhà máy thủy điện, lợi nhuận sau thuế năm 2007 đạt 56%, HAGL thực sự trở thành mục tiêu săn đuổi của các nhà đầu tư.

Bên cạnh HAGL, cổ phiếu của các công ty như Công ty Đầu tư và Khai thác công trình 584, Công ty Đầu tư và Xây dựng số 8, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà và đô thị IDICO… vẫn tăng đều, bất kể trên sàn chao đảo.

Trong tháng 11, mặc dù thị trường đi xuống song cổ phiếu của các công ty BĐS vẫn giữ được phong độ. Từ 13 - 14/11, giá các cổ phiếu REE, VIC, TDH, SJS từ các mức 136.000, 155.000, 177.000 và 231.000 đồng vẫn tăng đều đến 04/12 lên 148.000, 160.000, 193.000, 249.000 đồng/cp.

TDH (Công ty Kinh doanh và Phát triển Nhà Thủ Đức) kể từ sau khi bị thị trường điều chỉnh do làm giá lúc lên sàn, nay vẫn cầm cự ở mức trên dưới 200.000 đồng.

Chính việc ổn định và tăng bền vững của cổ phiếu BĐS càng thu hút nhà đầu tư, và việc tập trung tiền cho cổ phiếu này lại tiếp tục là nguyên nhân đẩy giá tăng, mặc dù trong thời điểm thị trường đang đi xuống.

Thậm chí, có thể nói, thị trường đi xuống cũng là một trong những yếu tố dẫn đến việc nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu BĐS, vì thị trường BĐS luôn đi theo chiều ngược lại TTCK.

Ông Dũng, một NĐT trên sàn ACBS, nói rằng thời điểm hiện tại là thời của cổ phiếu BĐS. Trong danh mục đầu tư của ông, 80% vốn thuộc về cổ phiếu của lĩnh vực này.

Thuận lợi lớn, lợi nhuận cao?

Nguyên nhân đầu tiên nhìn thấy rõ, là thị trường BĐS đã thức dậy sau một thời gian dài ngủ đông, và BĐS vẫn là lĩnh vực kinh doanh có lợi nhuận cao. Một giám đốc công ty kinh doanh BĐS cho biết, xây dựng kinh doanh căn hộ cao cấp đạt lợi nhuận từ 50 - 60% so với vốn.

Theo dự báo, những năm tới đầu tư nước ngoài tiếp tục vào VN, sẽ cần một lượng lớn văn phòng và căn hộ cao cấp. Hiện nay nguồn cung vẫn còn khan hiếm., vì vậy lĩnh vực này sẽ là một thị trường rộng lớn để các NĐT nắm bắt thời cơ.

Đây cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp chuyển hướng hoặc bổ sung ngành nghề kinh doanh BĐS. Theo một kết quả khảo sát, có đến 80% công ty niêm yết trên sàn lập chiến lược kinh doanh có đầu tư vào BĐS, bình quân vốn vài trăm tỷ đồng mỗi công ty.

REE cùng với HAGL đã chuyển hướng mạnh sang BĐS và thành công, khiến cho các công ty khác cũng đua theo đầu tư vào lĩnh vực này. Mới đây nhất, Dệt Thành Công theo hướng tập đoàn đa ngành nghề, cũng đã có dự án BĐS.



Các dự án của Hoàng Anh Gia Lai luôn hút khách và cổ
phiếu của công ty này đặc biệt hấp dẫn nhà đầu tư.


 Thị trường BĐS được xem là lĩnh vực nhạy cảm, nhưng hiện tại theo các NĐT, đây lại là nơi an toàn. NĐT tên Minh Trung trên sàn SSI cho rằng, trong trường hợp TTCK khó khăn hoặc có rủi ro, thì BĐS vẫn là tài sản khó bị mất. “Chính vì vậy, đây vẫn là nơi an toàn cao” - ông Trung nói.

Ông Trung cũng đã rút 1/4 số vốn trên sàn, mua 3 lô đất ở Nhà Bè, Bình Chánh gần khu vực Phú Mỹ Hưng gần 2 tỷ đồng.

Hàng chục quỹ đầu tư nước ngoài tham gia vào BĐS và các ngân hàng chạy đua cho vay càng làm tăng thêm niềm tin cho NĐT. Nhiều quỹ đầu tư còn lập hẳn những quỹ riêng biệt dành cho BĐS như Indochina Land Holdings của Indochina Capital, VinaLand của Vina Capital… Các dự án BĐS lớn ở Việt Nam đầu có sự tham gia của các quỹ này.

Tiêu biểu có thể thấy, "room" của REE dành cho nhà nước ngoài luôn luôn lấp kín, hoặc điển hình là HAGL có đến 10 NĐT chiến lược, trong đó có hầu hết các quỹ đầu tư sừng sỏ nhất như Jaccar, Dragon Capital, Thành Việt, BIDV, Vietcombank, kế đến là SSI, Sacombank… Các NĐT này chiếm 27% vốn điều lệ của HAGL.

Làn sóng đầu tư ồ ạt từ nước ngoài cộng với các dự án lớn của các DN trong nước vào lĩnh vực BĐS đã tạo động lực cho chứng khoán của các công ty BĐS niêm yết trên 2 sàn biến động mạnh theo hướng tích cực.

Và khi BĐS ấm lên, tăng giá, là cơ hội của những DNNN cổ phần hóa. Những DN này trước đây nắm một lượng đất đai được giao sử dụng, khi định giá vừa không xác định đúng giá trị, vừa trong thời điểm giá đất còn thấp, đến nay khi giá đất tăng gấp nhiều lần thì quỹ đất này trở thành khổng lồ. Đây là yếu tố hấp dẫn của những cổ phiếu của công ty có trong tay tài nhiều sản đất.

Vẫn có rủi ro

Dù gì thì gì, thị trường BĐS sản vẫn là nơi tiềm ẩn rủi ro, như bản chất lâu nay của nó. Theo dự báo, có thể trong thời gian tới sẽ xảy ra những cuộc tranh cãi đòi lại tiền của các nhà môi giới và người mua các căn hộ cao cấp như Sky Garden 3, The Vista.

Theo dự báo của giám đốc một công ty chứng khoán, có thể thời gian tới cổ phiếu BĐS sẽ không tăng mạnh như trước nếu TTCK không tăng. Theo vị giám đốc này, phần lớn số tiền vay từ ngân hàng đã đầu tư vào BĐS, và cuối năm nay là thời điểm ngân hàng “đòi” lại để trả nợ cho Chỉ thị 03, buộc NĐT phải bán ra.

NĐT tên Hùng trên sàn VCBS cho biết, ông bắt đầu tạm ngừng mua vào và đã bắt đầu bán ra cổ phiếu BĐS, vì cho rằng giá nhà đất đã lên quá cao, khó có lợi nhuận lớn. Trong khi tới đây, bảng giá nhà đất trên địa bàn TP.HCM tăng từ 10 đến 70%, khiến giá nhà đất sẽ tiếp tục tăng.

Mối tương liên giữa thị trường đầu tư tài chính và thị trường BĐS vô cùng khăng khít, bởi vậy khi thị trường BĐS có dấu hiệu “bong bóng”, thì đó cũng là nguy cơ của thị trường tài chính.

Vì vậy khi BĐS tăng đến một mức nhất định, các quỹ đầu tư và ngân hàng sẽ dừng việc bơm vốn và BĐS sẽ chững lại. Lúc đó cổ phiếu BĐS sẽ giảm theo.

Một trong những nhân tố rủi ro ngấp nghé sẽ là phương thức đánh thuế lũy tiến BĐS và chuyển nhượng mà tới đây sẽ được áp dụng. Cách đánh thuế này có ưu điểm là hạn chế đầu cơ, song cũng hạn chế cả hoạt động đầu tư.

Chưa thấy sự ổn định ở đâu, nhưng sự kìm hãm thị trường BĐS chắc chắn sẽ có. Bởi vậy những đồng vốn đầu tư trực tiếp vào BĐS hay cổ phiếu cũng đều có những giải pháp dự phòng đường lui chứ không chỉ một hướng lạc quan.

Trong kinh doanh, may mắn và rủi ro luôn luôn song hành. Bởi vậy việc đầu tư vào cổ phiếu BĐS cũng không khác các cổ phiếu khác về độ may mắn hay rủi ro.

 Vậy nên phòng tránh thất bại đòi hỏi cái nhìn xa của nhà đầu tư, chứ không thể chạy theo phong trào trước mắt. Điều này vẫn là điểm yếu của các NĐT nhỏ lẻ, thiếu kiến thức.

Theo VietNamNet