Trong vòng bán kính 50km, không thể tìm một vị trí phù hợp để xây một sân bay khác cho Hà Nội. Do đó, buộc phải giữ quy hoạch, đất đai ở mức độ tối đa có thể cho CHK Nội Bài.
CHK quốc tế Nội Bài đang có kế hoạch nâng công suất Nhà ga hành khách quốc tế T2 lên 15 triệu khách/năm
|
Chính phủ Pháp tài trợ hơn 560 nghìn EURO lập quy hoạch
Cục Hàng không VN cho biết, cơ quan này đang tích cực làm việc với các đối tác Pháp về khoản tài trợ không hoàn lại để nghiên cứu, lập Điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHK quốc tế Nội Bài. “Dự kiến, Chính phủ Pháp sẽ tài trợ cho VN hơn 560 nghìn euro để thực nghiên cứu lập quy hoạch hoạch này. Phía Pháp cũng chỉ định ADPi là đơn vị thực hiện”, đại diện Cục Hàng không VN cho biết.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, ADPi là công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và kỹ thuật sân bay của Pháp thuộc Aéroports de Paris Group (ADP). Công ty này quản lý và thiết kế các công trình phức hợp sân bay như nhà ga hành khách, tháp điều khiển, nhà ga để máy bay: hangar, trung tâm bảo dưỡng máy bay... tại các sân bay ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Seoul, Dubai, Jeddah... Đây cũng chính là doanh nghiệp được Cục Hàng không VN ký hợp đồng thuê rà soát, nghiên cứu quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất và đưa ra các ý tưởng quy hoạch có tính khả thi.
Giám đốc CHK quốc tế Nội Bài Nguyễn Đức Hùng cho biết, dự kiến năm nay, cảng này sẽ sẽ đón 27 triệu khách. Con số này sẽ tăng lên thành 30 triệu khách vào năm 2019; 35 triệu khách vào năm 2020. Trong khi đó, ngay cả khi tiếp tục mở rộng, nâng công suất nhà ga hành khách T2, cảng này cũng chỉ có thể đón tối đa 33 - 35 triệu khách, mãn tải vào năm 2021. |
Trước đó, chỉ đạo phát triển CHK quốc tế Nội Bài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu rà soát Quy hoạch khu vực phía Bắc để nâng quy mô công suất khai thác đạt 50 triệu hành khách/năm; đồng thời, nghiên cứu phát triển về phía Nam, bảo đảm đến năm 2050 đạt 80 - 100 triệu hành khách/năm.
“Bộ GTVT tiếp nhận nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Pháp theo đúng quy định để nghiên cứu phương án mở rộng và điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Khẳng định nếu muốn mở rộng Nội Bài đạt công suất 100 triệu khách như định hướng của Chính phủ, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực hàng không cho rằng, không cách nào khác phải nghiên cứu cả phía Bắc và phía Nam.
“Chỉ có phát triển về phía Nam, chúng ta mới đủ quỹ đất làm thêm đường CHK cách đường cũ trên 1.300m để tạo thành một cặp được cất hạ cánh song song, độc lập, từ đó mới có thể nâng công suất của 2 đường đó lên tối đa”, vị này nói và cho biết thêm: Như vậy, công suất Nội Bài có thể tăng tối đa khoảng 50 triệu khách nữa. Cũng theo chuyên gia này, cùng với việc nghiên cứu phát triển về phía Nam, chắc chắn sẽ phải nghiên cứu cả khu phía Bắc mới có thể nâng công suất toàn cảng lên 100 triệu khách.
Không nhanh, Nội Bài sẽ quá tải như Tân Sơn Nhất
Vị chuyên gia trên cũng nhận định, rất khó tìm được một vị trí thuận lợi để xây thêm một sân bay quốc tế thứ hai cho Hà Nội. TP HCM còn có Long Thành, nhưng ở Hà Nội trong vòng bán kính 50km, những vùng đất trũng, đất yếu như Hà Nam, Thái Bình hoàn toàn không phù hợp. Mật độ dân số cũng rất đông, GPMB gấp nhiều lần so với Sóc Sơn. Nói như vậy để khẳng định, phải giữ bằng được quy hoạch, đất đai ở mức độ tối đa có thể cho CHK quốc tế Nội Bài. Phải tính thật lâu dài, tối đa chứ không thể vì mục tiêu trước mắt.
Một chuyên gia về tư vấn quy hoạch hàng không khẳng định: Với Nội Bài, việc nghiên cứu tổng thể cả phía Bắc và phía Nam. “Tôi tin là Tư vấn Pháp cũng sẽ làm theo hướng phát triển tổng thể cả phía Bắc và phía Nam, đưa ra các phương án và làm rõ ưu nhược điểm”, vị này nói và cho biết, phát triển về phía nào đi nữa cũng đều có những ưu nhược điểm riêng.
Về phía Nam khó khăn do kinh phí GPMB quá lớn. Phía Bắc tuy có mật độ dân cư thấp hơn nhưng lại vướng các đơn vị quân đội. Đó là chưa kể khu vực phía Bắc gần núi Tam Đảo nên sẽ khó khăn trong quá trình khai thác sau này, cần nghiên cứu thật kỹ lưỡng.
Theo tìm hiểu của PV, từ hơn 2 năm trước, việc nghiên cứu mở rộng CHK quốc tế Nội Bài đã được cơ quan chức năng tính tới. Trong phương án gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không VN cho biết, nếu xây dựng đường CHC thứ 3 về phía Bắc và khu vực nhà ga, sân đỗ tàu bay đồng bộ phía Tây của CHK quốc tế Nội Bài, cách đường CHC 1B 1.035m sẽ đảm bảo công suất khai thác đạt 50 triệu khách/năm, kinh phí GPMB rất thấp, chỉ khoảng 11 nghìn tỷ đồng trên tổng kinh phí đầu tư 38,8 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho rằng, nếu muốn nâng công suất Nội Bài lên 80 - 100 triệu khách, phải xây dựng đường CHC ở phía Nam, cách đường CHC 1A 1.700m, cách đường CHC 1B 1.950m, đảm bảo phương án hai đường hoạt động song song độc lập là 1A với đường số 3 (hoặc 1B với đường số 3).
“Nhược điểm lớn nhất của phương án này là kinh phí GPMB quá lớn, lên tới hơn 40 nghìn tỷ đồng”, Cục Hàng không VN cho biết.
Ủng hộ quan điểm phải điều chỉnh quy hoạch Nội Bài theo hướng nâng công suất lên 100 triệu khách, Chủ tịch HĐQT TCT Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh cho biết, trong khi chờ nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch Nội Bài, vẫn cần cấp bách nghiên cứu mở rộng, nâng công suất sân bay này. Chỉ khoảng 3 năm nữa Nội Bài sẽ mãn tải.
“Việc nhanh chóng nâng công suất Nội Bài đáp ứng yêu cầu trước mắt được coi là bước đệm để thực hiện một quy hoạch lớn hơn là xuống hẳn phía Nam hoặc lên phía Bắc”, ông Thanh nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Giao Thông