Trong khi TP.HCM đang gồng mình “gánh” tuyến metro số 1, tuyến số 2 tiếp tục báo động trễ hẹn khiến “giấc mơ” metro của người dân TP lại càng trở nên xa vời.
Ảnh: Độc Lập - Đồ họa: đông xuân
Thủ tục, giải phóng mặt bằng đều chậm
"Nói tóm lại, metro chậm ngày nào là tất cả đều thiệt ngày ấy".
Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức
|
Ban Quản lý đường sắt đô thị (QLĐSĐT) vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM về việc điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm (metro) số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương. Theo Ban QLĐSĐT, ngày 10.5.2018, Chính phủ đã trình xin ý kiến Quốc hội về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 2,134 tỉ USD, tương đương gần 50.000 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với dự toán năm 2010. Tuy nhiên nếu điều chỉnh được thông qua, cũng phải đến giữa tháng 12 Chính phủ mới chấp thuận chủ trương và cuối tháng 1.2019, UBND TP.HCM mới có thể phê duyệt điều chỉnh dự án. Đồng thời trong thời gian thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư như trên, UBND TP đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định gia hạn thời gian thực hiện dự án đến 13.12.2020 để có cơ sở gia hạn các hiệp định vay đã ký với nhà tài trợ và được Thủ tướng chấp thuận. Đến nay các thủ tục gia hạn các hiệp định vay vốn cũng đã hoàn tất.
“Xét tiến độ thực hiện các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời gian hoàn thành dự án đến năm 2024, công tác điều chỉnh dự án sẽ không thể hoàn tất trong năm 2018 như kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, pháp lý về thời gian thực hiện theo Quyết định năm 2013 của UBND TP chỉ đến cuối năm 2018. Do đó, để đảm bảo cơ sở pháp lý tiếp tục triển khai dự án, trong khi chờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện các thủ tục điều chỉnh, cần thiết phải có quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 13.12.2020”, Ban QLĐSĐT kiến nghị.
Tuyến metro số 1 đang thi công dở dang
ẢNH: ĐỘC LẬP - NGỌC DƯƠNG
|
Đại diện Ban QLĐSĐT khẳng định việc gia hạn thời điểm thi công tuyến metro số 2 chỉ là một sự điều chỉnh nhỏ về kỹ thuật, thay đổi về mặt thủ tục chính sách, không ảnh hưởng gì đến tiến độ thực hiện toàn tuyến. Nhưng nếu TP chính thức ban hành quyết định, dự án này ít nhất cũng về đích muộn 6 năm so với kế hoạch ban đầu - hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2018. Nói ít nhất là do đây cũng chỉ là thời gian nằm trong kế hoạch, nếu tất cả mọi thủ tục, công tác thi công không gặp bất cứ khó khăn gì trong tương lai. Tuy nhiên thực tế, trong khi việc gia hạn chưa giải quyết xong, cũng theo báo cáo của Ban QLĐSĐT, công tác giải phóng mặt bằng đang bị dừng lại, một số quận đã tiến hành thủ tục trả vốn, de dọa đến thời gian về đích của dự án. Nguyên nhân do UBND TP chưa thông qua kế hoạch tái định cư nên dù UBND TP đã bố trí nguồn vốn nhưng UBND các quận không thể giải ngân và đã đề xuất hoàn trả. Đồng thời cơ sở pháp lý thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thay đổi, dẫn tới thay đổi chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư. Chưa kể chứng thư thẩm định giá bồi thường cũng đã hết hiệu lực.
Như vậy, không chỉ riêng công tác điều chỉnh dự án bị lùi, công tác giải phóng mặt bằng của dự án hiện đã chậm gần 2 năm so với kế hoạch ban đầu.
Lắp đặt vỏ hầm tuyến metro số 1
ẢNH: ĐỘC LẬP
|
Ảnh hưởng toàn bộ hệ thống giao thông
Chuyên gia về xây dựng cầu, đường Vũ Thắng nhận xét, tình trạng chậm trễ của cả 2 tuyến metro số 1 và 2 ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống giao thông TP.HCM vì trong quy hoạch, hầu hết giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông của TP đều trông cậy vào 2 tuyến đường sắt đô thị này. Chính vì tiến độ của dự án bị lùi lại quá lâu, tình hình giao thông của TP diễn biến ngày càng căng thẳng mà không có phương án giải quyết tận gốc. Các tuyến đường từ cửa ngõ, thậm chí cả đường nội đô, tất cả đều tắc nghẽn. Giao thông công cộng không phát triển được vì metro là xương sống nhưng chưa hoàn thành. Ngay cả đề án quy hoạch “siêu” phố đi bộ, quy hoạch không gian ngầm, giãn dân… thiếu metro cũng không thể thành công.
“Hạ tầng giao thông yếu kém chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế của TP.HCM”, ông Thắng nói.
Tuyến metro số 2 mới hoàn thành tòa nhà văn phòng điều hành
Nguy cơ tiếp tục đội giá
Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, cho rằng sự chậm trễ của các tuyến metro đang kéo theo rất nhiều hệ lụy. Thứ nhất, quá trình thi công của dự án ảnh hưởng nhiều đến lưu thông của người dân. Các đoạn đào hở, xây trên cao yêu cầu dựng nên nhiều lô cốt, hàng rào khoanh vùng làm giảm tiết diện mặt đường, gây ùn tắc giao thông. Vai trò của đường sắt đô thị là vận chuyển khối lượng lớn, đáp ứng nhu cầu đi lại ở hành lang giao thông chính, là xương sống của hệ thống giao thông công cộng. Các tuyến metro thi công, đưa vào vận hành chậm sẽ làm tình trạng ùn tắc gia tăng, tai nạn, ô nhiễm môi trường từ đó cũng tăng theo. “Bên cạnh đó, việc chậm trễ còn đẩy lùi thời gian hình thành các khu đô thị quanh nhà ga, khiến đô thị phát triển lan tỏa, không tập trung tại nhà ga để hỗ trợ phát triển đường sắt, làm giảm số lượng khách, giảm sức cạnh tranh với các phương tiện cá nhân”, ông Tuấn phân tích.
Thứ hai, các tuyến metro để càng lâu càng đội giá, do giá nhân công, giá vật liệu, chi phí giải phóng mặt bằng luôn theo xu hướng tăng, chưa kể trượt giá... Việc không đảm bảo tiến độ như đã cam kết với các đối tác còn ảnh hưởng đến uy tín của VN, cản trở các cơ hội vay vốn. Bản thân các nhà đầu tư nước ngoài cũng chịu nhiều thiệt hại trong việc kéo dài thời gian thi công, khấu hao máy móc thiết bị. “Nói tóm lại, metro chậm ngày nào là tất cả đều thiệt ngày ấy”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo TS Huỳnh Thế Du, VN cần nghiên cứu cách làm metro của các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc. Họ chỉ dựa vào vốn vay, kỹ thuật từ nước ngoài trong một vài tuyến đầu. Các tuyến tiếp theo sẽ hoàn toàn do trong nước đảm nhận. Việc làm chủ công nghệ có thể kéo giảm chi phí rất nhiều. Ở VN hiện nay hầu hết các tuyến metro đều dựa hoàn toàn vào vốn vay, kỹ thuật nước ngoài, mỗi tuyến dựa vào một nước, không có cơ chế tự chủ, không có lan tỏa đầu tư nên thường xuyên xảy ra trục trặc và đa phần nguyên nhân đến từ phía VN.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên