M&A các dự án xi măng: Lợi nhuận đến đâu?

Cập nhật 13/03/2015 09:26

Có thể khẳng định vài năm trở lại đây, công cuộc tái cấu trúc ngành xi măng diễn ra mạnh mẽ, hiệu quả, bằng chứng là hàng loạt các nhà máy trước đây bên bờ vực phá sản như xi măng Đồng Bành, Cẩm Phả… nay “hồi sinh” mạnh mẽ.

Xi măng Hạ Long đang được đàm phán để mua bán sát nhập.

Sau 3 năm đi vào hoạt động, xi măng Cẩm Phả ngập trong nợ nần với con số lỗ lũy kế lên đến 1.800 tỷ đồng và đến tháng 10/2013, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã mua70% cổ phần của dự án Nhà máyxi măng Cẩm Phả (công suất 2,3 triệu tấn/năm) từ Vinaconex.

Sau vụ mua bán sát nhập này, công cuộc tái cấu trúc tài chính, đầu tư nâng cấp nhà máy, nâng cấp cầu cảng tại nhà máy để tiếp nhận tàu lớn, bổ sung máy đóng bao cho nhà máy chính, xây thêm si lô chứa xi măng nhằm đa dạng hóa sản phẩm như xi măng OPC, PC, PCB 30, PCB 40, xi măng sỉ, xi măng bền sunfat… và kết quả, năm 2014, xi măng Cẩm Phả chính thức “thoát án tử hình”, doanh thu đạt 2.467 tỷ đồng; tiêu thụ 2,54 triệu tấn sản phẩm; lợi nhuận đạt 94 tỷ đồng so với mức kế hoạch 89 tỷ đồng.

Ông Hoàng Xuân Vịnh, Tổng Giám đốc Cty xi măng Cẩm Phả cho biết, xi măng Cẩm Phả sẽ tiếp tục tập trung cho tiêu thụ nội địa, đồng thời sẽ sản xuất thêm 3 loại xi măng mới là: xi măng rời PC50, xi măng xỉ và xi măng bền sunfat. Sản xuất và tiêu thụ xi măng rời PC50 cho những công trình BĐS lớn, chinh phục khách hàng bằng cách cho ra đời loại xi măng chuyên biệt dành cho dự án xây dựng trên nền đất yếu hay xi măng bền sunfat cho công trình vùng ven biển, hải đảo và các vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn…sẽ giúp xi măng Cẩm Phả tiếp tục lấy lòng khách hàng và tăng độ uy tín thương hiệu mặc dù “sinh sau đẻ muộn”.

Tiếp đà thắng mạnh ở xi măng Cẩm Phả, Viettel đang có kế hoạch đàm phán mua lại Nhà máy xi măng Hạ Long công suất 2,1 triệu tấn/năm,do TCty Sông Đà và một số doanh nghiệpdầu khí đầu tư. Nếu thương vụ M&A xi măng Hạ Long thành công, Viettel sẽ trở thành đối thủ “đáng gờm” của TCty Xi măng Việt Nam.

Không chỉ “ông lớn” Viettel tham gia mua bán sát nhập các dự án xi măng mà Tập đoàn Hoàng Phát Vissai cũng “góp mặt” bằng hàng loạt thương vụ như mua lại Nhà máy xi măng Đô Lương từ tay HUD, LILAMA, CC1 vào tháng 12/2014 (nay đổi tên thành Nhà máy xi măng Sông Lam).

Và tháng 2/2015 vừa qua, Hoàng Phát Vissai đã chính thức khởi công xây dựng Nhà máy xi măng Sông Lam có công suất 6 triệu tấn/năm tại xã Bài Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), tổng mức đầu tư 10.500 tỷ đồng. Dự kiến sau 18 tháng thi công, nhà máy sẽ chính thức đi và hoạt động và cho ra các loại xi măng chất lượng cao phục vụ các công trình biển đảo, các công trình mục tiêu Quốc gia chống biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh tái cơ cấu, đầu tư đúng ngành nghề lĩnh vực, vừa qua TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đã bàn giao lại dự án KĐT xi măng Hải Phòng để giảm đầu tư ngoài ngành và tập trung đầu tư xi măng. Hiện TCty xi măng lớn nhất Việt Nam này đang đàm phán và mua lại Nhà máy xi măng Sông Thao của HUD.

Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem cho biết: Vicem luôn sẵn sàng tiếp nhận các dự án mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao, phù hợp với chiến lược của TCty, đồng thời quản lý vận hành doanh nghiệp công khai minh bạch và nghiêm túc.

Với những nhà máy xi măng công suất nhỏ, dưới 2.500 tấn clinker/ngày, không đủ điều kiện triển khai sẽ bị loại bỏ và kết quả: từ tháng 4/2013 đến nay đã có 14 dự án xi măng quy mô nhỏ như Hà Tiên (Kiên Giang), Trường Sơn, Rô Li, Hợp Sơn, Ngọc Hà, Vinafuji (Lào Cai), Thanh Trường, Sơn Dương, Quang Minh (Cao Bằng)….bị “khai tử”. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong công cuộc tái cấu trúc ngành này và hy vọng đến năm 2015 Việt Nam hoàn toàn không sản xuất xi măng lò đứng.

Như vậy, những thương vụ M&A trong ngành xi măng diễn ra chủ yếu do những đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm quản trị, quản lý vận hành doanh nghiệp hiệu quả mua lại. Sau công cuộc tái cơ cấu mạnh mẽ, các doanh nghiệp được “hồi sinh”, hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng giúp ngành xi măng phát triển và được đánh giá là “mảng sáng” trong khối VLXD.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng