Ông Cường cho biết thêm, trước tình hình này, các doanh nghiệp Việt Nam đã "xoay" ra nhập khẩu phôi ở các nước Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, mặc dù các nước này cũng đi mua lại từ Ucraina, Ấn Độ do giá rẻ hơn. Nhưng liệu có mua mãi được phôi từ các nước này khi mà làm ăn lớn thì phải ra chợ lớn, đại siêu thị để mua hàng thay vì mua ở "chợ cóc"?
Thứ hai, một nghịch lý chưa bao giờ có trong ngành thép là giá "đũa mốc" cũng bằng giá "mâm son". Xưa nay, giá thép cuộn luôn thấp hơn giá thép cây từ 500 - 600 nghìn đồng/tấn nhưng hiện nay, giá thép cuộn cũng 11,7 triệu đồng/tấn. Vì sao vậy?
Còn nhớ cách đây vài năm, giá thép cuộn Trung Quốc núp bóng thép que hàn vào Việt Nam chảy vào công trình, bị cơ quan quản lý "soi" và báo chí nện tơi bời nên đành ngâm lại một thời gian. Về sau, những nhà nhập khẩu Việt Nam nhận thấy không việc gì phải núp bóng vì trên mỗi cuộn thép cuộn, không bắt buộc phải ghi rõ nhãn hàng, xuất xứ nên họ cứ nhập thẳng về bán.
Vì thế, nhìn bề ngoài, không biết đâu là "thép ta", đâu là "thép Tàu" trong khi "thép Tàu" lại rẻ hơn và kết cục là các nhà máy thép trong nước phải đóng cửa gần hết dây chuyền sản xuất thép cuộn. Khi số lượng thép cuộn đã ở trong tầm kiểm soát của các nhà nhập khẩu thì đương nhiên, họ quyết định mức giá. Bởi thế, mới có chuyện giá "đũa mốc" chòi lên được "mâm son".
Thứ ba, hiện tại niềm an ủi đối với các doanh nghiệp trong nước là thép cây Trung Quốc chưa tràn vào vì người tiêu dùng e ngại chất lượng của chúng có thể dẫn tới rủi ro cho công trình nhưng lãnh đạo một nhà máy thép nói rằng: nếu các nhà sản xuất Trung Quốc cam kết chất lượng đối với chủ công trình Việt Nam thì lúc đó, các nhà máy thép Việt Nam chỉ còn biết... đóng cửa như đã từng xảy ra đối với thép cuộn.
Thứ tư, đáng lưu tâm, khi giá thép lên xuống thất thường thì động thái của cơ quan quản lý không ngoài việc "dọa" giảm thuế nhập khẩu. Nhưng xin thưa, thuế suất nhập khẩu phôi hiện ở mức 2% và thép thành phẩm là 8% và nhà nước cũng chỉ thu được khoảng 12 USD/tấn với phôi và 880.000 đồng/tấn tiền thuế đối với thép thành phẩm.
Hiện tại, giá thép thành phẩm Trung Quốc đã tính các loại thuế và chi phí đang bán ở mức 11 triệu đồng/tấn, trong khi thép của Việt Nam là 11,7 triệu đồng/tấn. Nếu giảm thuế nữa thì có chữa được bệnh tăng giá của thị trường thép?
>> Lộ “gót chân Asin” của ngành thép (phần 1)
Theo VnEconomy