Lên ruột với đường vào Bến xe Miền Đông mới

Cập nhật 27/11/2018 08:18

Công trình xây dựng bến xe Miền Đông mới ỏ TP.HCM dự kiến đưa vào hoạt động trong quý I-2019, chậm một năm so với kế hoạch.

Đường dẫn vào bến xe Miền Đông mới vẫn là con đường đất đầy bụi mỗi khi có xe di chuyển - Ảnh: CHẾ THÂN

Câu hỏi được đặt ra là liệu bến xe Miền Đông mới có đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách?

Đường vào bến xe "rình rập" tại nạn

Ngày 22-11, chúng tôi đến công trình xây dựng bến xe Miền Đông mới tại Q.9, TP.HCM và ghi nhận tại đây đã có một tòa nhà cao 6 tầng, bao gồm 2 tầng hầm và 4 tầng nổi. Trong đó, cả 6 tầng đã xong phần xây dựng kỹ thuật cơ bản.

Ở tầng thứ 4, khu tích hợp trung tâm thương mại, ăn uống đang được lắp khung sắt, chuẩn bị lắp kính. Phía ngoài công trình, khu vực bãi xe, nhà chờ... cũng đang được thi công những công đoạn sau cùng.

Từ 8h sáng, công trường bến xe Miền Đông mới đã bắt đầu nhộn nhịp. Từng tốp công nhân bắt tay vào công việc thường ngày. Tốp làm thợ xây, tốp lắp khung sắt, tốp lo vận chuyển vật liệu xây dựng khiến quang cảnh trở nên hối hả.

Đang thi công lắp kính tại tầng 4 công trình, anh Nguyễn Minh Hải cho biết suốt những ngày qua anh em công nhân luôn nỗ lực làm việc. Ai cũng mong muốn công trình bến xe nhanh chóng hình thành đi vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của những người lao động xa quê.

Thế nhưng những tuyến đường vào bến xe mới quá chật hẹp và có quá nhiều xe lưu thông. Đi dọc theo tuyến đường Hoàng Hữu Nam có nhiều đoạn hư hỏng, mặt đường xuất hiện chi chít ổ gà, ổ voi bị đọng nước.

Số lượng xe tải, container qua lại trên đường này rất đông với từng đoàn xe tải nặng chở đất đá, nhiên liệu nối đuôi nhau trên tuyến đường này với tốc độ nhanh.

Trong khi đó, bề rộng mặt đường chỉ tầm 8m. Hai xe tải chạy ngược chiều là chiếm gần hết diện tích con đường. Người đi xe máy bị ép sát vào lề đường rất nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Tương tự, đường số 13, một trong số những con đường dẫn trực tiếp vào bến xe mới còn nhỏ hẹp hơn. Hai bên đường vương vãi đầy đất đá, vật liệu xây dựng từ các công trình nhà dân còn sót lại.

Chúng tôi chạy dọc theo tuyến đường số 13 một đoạn chừng 500m, việc di chuyển khó khăn vì bụi đất bay mù mịt.

Gần đó, tuyến đường 400 và đường số 11 cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hàng trăm người dân cư ngụ ở hai bên đường và người đi lại trên các tuyến đường này đều lắc đầu ngao ngán vì cảm thấy bất an.

Ông Trần Hữu Châu, một người dân sống ở đường Hoàng Hữu Nam, cho biết con đường Hoàng Hữu Nam chỉ dài hơn 3km nhưng liên tục xảy ra tai nạn giao thông. Xe tải, xe container và xe bêtông chạy suốt ngày, dẫn tới không còn chỗ nào cho xe 2 bánh lưu thông.

Tuyến đường này có tới mấy trường tiểu học và mầm non, khi đón con về ai cũng ngán. Bởi vì với quá nhiều xe tải, xe container và xe bêtông lưu thông cùng hơn chục bãi xe container và 6-7 trạm trộn bêtông khiến mặt đường nát bét.

Hiện nay, người dân đã rất ngại ra vào khu vực này. Một cán bộ công trình bến xe Miền Đông mới bày tỏ lo ngại tình trạng đường sá chật hẹp, hư hỏng sẽ khó thu hút doanh nghiệp vận tải và người dân đến bến xe mới này.

Toàn cảnh công trình thi công bến xe Miền Đông mới - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Xử lý ra sao?

Ông Lê Văn Pha - phó tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), chủ đầu tư dự án xây dựng bến xe Miền Đông mới tại Q.9 - cho biết đến nay công trình xây dựng bến xe miền Đông mới đã đạt 85% khối lượng.

Dự kiến bến xe mới sẽ đưa vào hoạt động trong quý 1-2019. Trong đó, từng bước sẽ di dời các tuyến xe đò từ bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh) đưa về hoạt động ở bến xe Miền Đông mới.

Trước mắt sẽ di dời 11 tuyến xe có cự ly dài trên 1.750km - tức đưa các tuyến xe từ TP.HCM đi Hà Nội trở ra các tỉnh phía Bắc.

Tuy nhiên, ông Pha bày tỏ lo ngại bến xe Miền Đông mới khó thu hút hành khách vì các tuyến đường xung quanh bến xe miền Đông chật hẹp và đặc biệt là chưa có đường kết nối từ bến xe ra xa lộ Hà Nội.

Một đại diện UBND Q.9 cho biết chính quyền cũng nắm được tình trạng trên và có nhiều phương án để khắc phục xe lưu thông ra vào bến xe Miền Đông mới.

Trong thời gian qua, UBND Q.9 cùng Khu quản lý giao thông đô thị số 2 đã thực hiện lắp đặt các biển báo cấm tải trong giờ cao điểm, nghiên cứu để cải tạo và mở rộng đường, kẻ vạch sơn cho người đi bộ, đặt gờ giảm tốc... trên đường số 13, đường Hoàng Hữu Nam.

Mới đây, UBND Q.9 đã có văn bản đề nghị Khu quản lý giao thông đô thị số 2 mở rộng mặt đường Hoàng Hữu Nam.

Về việc làm đường kết nối gồm xây cầu vượt và hầm chui phía trước cổng bến xe Miền Đông mới để giải quyết cho xe ra vào bến xe thuận lợi, ông Lê Ngọc Hùng cho biết hiện nay Khu quản lý giao thông đô thị số 2 đang làm các thủ tục đầu tư xây dựng và dự kiến đến quý 3-2019 mới khởi công xây dựng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Nam - giám đốc điều hành dự án xa lộ Hà Nội, đơn vị thực hiện dự án mở rộng xa lộ Hà Nội - cho biết sẽ phải chờ dự án xây dựng cầu vượt và hầm chui mới thực hiện dự án mở rộng tuyến đường này để xe ra vào bến xe Miền Đông mới.

Như vậy, bến xe Miền Đông mới sắp đưa vào hoạt động trong quý 1-2019 sẽ còn gặp nhiều trở ngại vì đường ra vào bến xe chưa thuận lợi.

Những tuyến đường nguy hiểm

Một cán bộ đội cảnh sát giao thông Q.9 cũng cho biết những tuyến đường xung quanh bến xe Miền Đông được liệt vào những cung đường nguy hiểm. Do đó, lực lượng cảnh sát giao thông và lực lượng thanh tra thường xuyên tuần tra, kiểm soát xử lý xe tải, xe container trên tuyến đường này.

Ông Lê Ngọc Hùng - giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2 Sở Giao thông vận tải TP - cũng chia sẻ thời gian qua do lượng xe tải đi lại lớn nên tuyến đường Hoàng Hữu Nam hư hại khá nhiều. Khu 2 đã thực hiện cấm xe tải qua đoạn đường này vào một số khung giờ nhất định để hạn chế xe đi lại, giảm hư hỏng hạ tầng, đảm bảo an toàn cho người dân.

Về lâu dài, TP sẽ thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng toàn bộ tuyến đường Hoàng Hữu Nam, nhưng hiện nay việc giải phóng mặt bằng bị vướng nên việc triển khai dự án chậm.


DiaOcOnline.vn - Theo TTO