Lãi suất tăng, trượt giá chưa được tính: Nhà thầu lao đao

Cập nhật 22/05/2008 11:00

Đã hàng tháng trôi qua kể từ ngày Chính phủ cho phép điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên, nhiên liệu và vật liệu xây dựng. Thế nhưng cho đến nay, trên địa bàn TPHCM vẫn chưa có nhà thầu nào được điều chỉnh.

Chủ đầu tư “nhát tay”?

Cách đây 2 ngày, qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Chiến, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng số 1 thuộc Bộ Xây dựng - nhà thầu của nhiều công trình xây dựng trọng điểm của thành phố như cầu Thủ Thiêm, cầu Văn Thánh, đường nối cầu Thủ Thiêm với Đại lộ Đông-Tây và hai gói thầu 12b1, 11b2 của dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ấm ức cho biết, cho đến nay, đơn vị của ông vẫn chưa nhận được tiền theo điều chỉnh giá mới.

Trong khi đó, với dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tổng Công ty Xây dựng số 1 đã thi công vượt tiến độ gói thầu 12b1, đang chuẩn bị thi công gói thầu 11b1 và quan trọng hơn cả là đã chuẩn bị đầy đủ nhân vật lực để chi viện cho Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng - một nhà thầu khác của dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè - đang bị chậm tiến độ theo yêu cầu của UBND TPHCM. “Tôi đã nói thẳng với thành phố, Tổng Công ty Xây dựng số 1 đã làm đúng cam kết, còn thành phố thì chưa”, ông Chiến bức xúc.

Có đi làm việc tại công trường thi công dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè cách nay hơn nửa tháng mới biết tại sao ông Chiến lại bức xúc như vậy.

Hôm ấy, trước sự chứng kiến của Chủ tịch UBND TPHCM ông Lê Hoàng Quân và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án Cải thiện môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã cam kết điều chỉnh giá vật liệu xây dựng và hợp đồng xây dựng cho phù hợp với thị trường.

Đổi lại, Tổng Công ty Xây dựng số 1 phải đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa quân chi viện cho Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện toàn bộ dự án Cải thiện môi trường - một vấn đề có tính chất quyết định của thành phố trong việc có được tiếp tục vay tiền của Ngân hàng Thế giới để hoàn thiện dự án. Cho đến hôm nay, Tổng Công ty Xây dựng số 1 đã thực hiện lời hứa nhưng các bên còn lại thì chưa!

Ngày 9-5-2008, UBND TPHCM đã có văn bản số 2884/UBND-ĐTMT chấp thuận cho Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước xem xét, tạm thanh toán cho các nhà thầu thuộc dự án xây dựng cầu Nguyễn Văn Cừ 80% phần giá trị tăng thêm do trượt giá ngoài giá trúng thầu. Thế nhưng cho đến hôm nay, nhiều nhà thầu ở đây cho biết vẫn chưa nhận được phần giá trị tính thêm này. “Thôi thì thi công cầm chừng, đợi khi nào có tiền hẵng tính”. Không ít nhà thầu đã ngao ngán nói vậy!

Tuy nhiên, Tổng Công ty Xây dựng số 1 và các nhà thầu của dự án xây cầu Nguyễn Văn Cừ vẫn còn may mắn hơn nhiều nhà thầu khác vì các công trình mà họ xây dựng là công trình trọng điểm. Vì nhiều lý do, ngành chức năng buộc phải quan tâm “đặc biệt” đến những công trình này. Phần lớn các công trình nhỏ, lẻ khác thì chưa hề nhận được bất cứ lời cam kết điều chỉnh giá nào ngoài chủ trương chung của Chính phủ.

Trong tâm thế đó, họ buộc phải giãn tiến độ. Nếu như trước kia làm 10 nay họ chỉ làm 5-6, một chủ đầu tư xin giấu tên đã tiết lộ như vậy. Tất cả đang chờ vào sự chỉ đạo chung của ngành chức năng mà ngành chức năng thì đang rối bời với những thông tư, hướng dẫn bù trượt giá của các bộ. “Chúng chung chung và không rõ ràng”, một cán bộ của Sở Giao thông Công chính nói.

“Văn bản đã không rõ ràng thì làm sao dám quyết?” - Chủ đầu tư một công trình trọng điểm vừa được thành phố giao “tự chịu trách nhiệm về khối lượng xây lắp hoàn thành và phần chi phí tăng thêm của nhà thầu” tâm tư nói.

Hay văn bản hướng dẫn không rõ ràng?

Thông tư 09/2008/TT-BXD về điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên, nhiên liệu và vật liệu xây dựng được Bộ Xây dựng ban hành ngày 17-4-2008. Tuy nhiên, ngay sau khi thông tư được ban hành thì Sở Giao thông Công chính đã có ngay văn bản gửi UBND TPHCM đề nghị UBND TPHCM “hỏi” các bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Xây dựng về một số khái niệm trong thông tư (?!).

Theo sở, khái niệm “chứng từ, hóa đơn hợp lệ phù hợp với mặt bằng giá thị trường” cần được làm rõ thêm vì trên thực tế đã có nhiều nhà thầu trong cùng một công trình mua cùng một loại vật liệu xây dựng trong cùng một ngày (với các chủ hàng khác nhau) và đưa về hóa đơn có mức giá rất khác nhau.

Chủ đầu tư với tư cách là người chịu trách nhiệm về phần chi phí tăng thêm ấy sẽ phải “chọn” mức giá nào? Chọn mức giá cao thì sau này rất có khả năng bị “thanh tra hỏi thăm”, còn chọn thấp thì thiệt cho nhà thầu. Như vậy, lo sợ cho bản thân mình cũng có nhưng chủ yếu là do thông tư chưa rõ ràng nên các chủ đầu tư chẳng dám quyết điều chỉnh cho nhà thầu.

Chưa hết, hiện nay việc công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng còn chưa có thì các chủ đầu tư lấy căn cứ đâu để đối chiếu khi điều chỉnh giá? Rồi hàng loạt các thủ tục khác như cơ chế thanh toán khi việc điều chỉnh làm vượt tổng mức đầu tư… cũng rất cần được làm rõ.

Quy định tại điều 3 khoản 3 cũng làm các chủ đầu tư rối: dự toán chi phí xây dựng trượt giá được tính một lần trên cơ sở những khối lượng đã thực hiện từ năm 2007. Làm sao bao quát được hết sự biến động của thị trường? Từ 2007 đến nay, giá cả tăng lên hầu như mỗi tháng. Nếu chỉ tính trượt giá chung trong một lần, e nhà thầu bị thiệt v.v… Văn bản của UBND TPHCM đã được gửi đi nhưng bao giờ các bộ có công văn trả lời thì chưa biết.

Hiện nay, mỗi ngày trôi qua nỗi lo “cơm áo gạo tiền” lại đè nặng lên các nhà thầu. Theo ông Phạm Duy Giang, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng số 1, hầu hết các nhà thầu Việt Nam đều phải đi vay tiền để đầu tư. Chậm được thanh toán ngày nào là nhà thầu lại phải gánh thêm lãi suất vay.

Đó là chưa kể, lãi suất cho vay mới được điều chỉnh tăng lên, nếu vay tiền với mức lãi suất như bây giờ ít nhất các nhà thầu phải lãi đến hơn 30% tổng giá trị công trình mới có thể trả được vốn vay. Mà mức lãi này là điều gần như không thể! “Chúng tôi chỉ còn biết trông chờ vào việc thanh toán khối lượng công trình đã thi công”, ông Giang nói.

Như vậy, tại thời điểm này, ở một góc độ nào đó, có thể nói các “lô cốt” đang chặn nhiều tuyến đường của TP được dẹp sớm hay muộn phụ thuộc khá nhiều vào việc các nhà thầu được thanh toán phần trượt giá nhanh hay chậm…


Theo Sài Gòn Giải Phóng