Vừa chào sàn hôm thứ Hai đầu tuần, cổ phiếu của CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (mã giao dịch là HDC) đã trở thành cổ phiếu “hiếm” trên sàn TP.HCM với lượng dư mua lớn, khối lượng giao dịch thành công thấp, còn giá thì tăng trần. Cơn sốt VIC, HDC đang lan tỏa tới các cổ phiếu bất động sản.
Sở dĩ trở thành cổ phiếu hiếm bởi HDC có số vốn điều lệ chỉ vừa đủ để tiêu chuẩn niêm yết trên sàn TP.HCM, trong đó các cổ đông chiến lược giữ phần lớn. Lượng cổ phiếu có thể thường xuyên mua bán trên thị trường rất khiêm tốn.
Mặc dù họat động chủ yếu ở Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhưng HDC vẫn không thoát khỏi tầm ngắm của các nhà đầu tư trong xu thế “mốt” cổ phiếu bất động sản. Khi thị trường trong cơn say cổ phiếu VIC của Vincom tuần trước, một nhà đầu tư lớn trên sàn chứng khoán Seabank cho biết, sau khi “rút” khỏi VIC sẽ “đánh” HDC.
Với một cổ tức cam kết hàng năm từ 18 – 20%, HDC không phải là cổ phiếu thật sự hấp dẫn nhưng công ty này lại đang sở hữu nhiều dự án bất động sản ở Vũng Tàu, diện tích 1.227ha, tổng mức đầu tư 272,45 tỷ đồng; khu dân sự đợt đầu đô thị mới Phú Mỹ - Huyện Tân Thành, diện tích 20ha, tổng mức đầu tư 104,6 tỷ đồng; khu dân cư đồi 2, phường 10, TP.Vũng Tàu, diện tích 16 ha, tổng mức đầu tư 254 tỷ đồng; khu nhà ở đồi Ngọc Tước, tổng mức đầu tư 197 tỷ đồng…
Khoảng 7 dự án khác đang được HDC triển khai thủ tục đầu tư, gồm cả bất động sản và sản xuất gạch ngói. Ông Đoàn Hữu Thuận, Chủ Tịch HĐQT HDC cho biết, dù thị trường BĐS ở Bà Rịa – Vũng Tàu kém sôi động hơn nhiều so với TP.HCM và Hà Nội nhưng các dự án BĐS của Công ty triển khai đều đạt tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu từ 30 – 40%. HDC có kế hoạch mở rộng đầu tư BĐS sang các huyện ngoại thành TP.HCM, những khu vực giá đất còn rẻ đem lại khả năng sinh lời trên vốn cao.
Để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư các dự án này, HDC dự tính tăng vốn lên khoảng hơn 100 tỷ đồng và việc tăng vốn lần này sẽ giúp cổ phiếu HDC có tính thanh khoản cao hơn nhờ lượng cổ phiếu lớn hơn sẽ được đưa vào thị trường.
Sức nóng của hai cổ phiếu BĐS vừa chào sàn làm cho nhiều cổ phiếu ngành này chuẩn bị chào sàn như CTCP Xây dựng số 5 (CJSC5) và CTCP Đầu tư và xây lắp Chương Dương (Chương Dương ACIC) trở thành dự án lớn, tiềm năng tăng vốn cao, nhất là khi có khoản thặng dư vốn 36 tỷ đồng (tương đương vốn điều lệ) và lợi nhuận sau thuế năm 2007 dự kiến là 15 tỷ đồng, cổ phiếu Chương Dương ACIC hầu như không có giao dịch một tháng trước ngày chốt danh sách niêm yết bởi tình trạng “găm” hàng chờ lên sàn rồi bán ra với giá “sốt”.
Ngày 18/10 tới, cổ phiếu của Công ty CJSC5, chủ đầu tư nhiều dự án chung cư tại TP.HCM, có kế hoạch chia cổ tức năm 2007 với tỷ lệ 30%, trong đó khoảng 10% bằng cổ phiếu, sẽ niêm yết trên sànTP.HCM với mức giá khởi điểm là 160.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng sau khi chốt danh sách, các giao dịch cổ phiếu này trên thị trường OTC đã lên đến 180.000 đồng/cổ phiếu. Theo một số nhà phân tích, nhà đấu tư cần tỉnh táo bởi nhiều khả năng nhà đầu tư lớn “làm giá” những cổ phiếu mới nói riêng, cổ phiếu bất động sản nói chung để thu lời.
Theo Đầu tư Chứng khoán