Không thể để “lỗ hà ra lỗ hổng”

Cập nhật 18/10/2013 12:58

Những yếu kém trong công tác quy hoạch ở tất cả các ngành, lĩnh vực là thủ phạm đầu tiên của tình trạng lãng phí xây dựng cơ bản.


Mới đây, Chính phủ đề xuất với Quốc hội nâng trần bội chi năm 2014 từ mức 4,8% lên 5,5% GDP để phục vụ đầu tư. Đề xuất này cho thấy, thực tế nguồn vốn dành cho đầu tư xây dựng cơ bản rất hạn hẹp, đòi hỏi mỗi quyết định đầu tư phải được cân nhắc kỹ để đạt được hiệu quả cao. Thế nhưng, trên khắp cả nước vẫn đang diễn ra cảnh sử dụng vốn đầu tư chưa hiệu quả, gây lãng phí.

Xin nhắc lại cuộc họp giữa năm của ngành tài chính, khó khăn lớn nhất mà hầu hết các địa phương đều gặp phải là thu ngân sách rất khó khăn, nhiều địa phương có số thu giảm. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có chỉ đạo không điều chỉnh chỉ tiêu thu ngân sách, nhưng đồng thời phải tiết kiệm chi để tránh thâm hụt cán cân tài chính.
Lãng phí trong đầu tư xây dưng là lãng phí ngân sách Nhà nước

Còn theo tính toán của Văn phòng Chính phủ trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ gần đây, nếu như trước kia, 100 đồng GDP thì sẽ có 30 đồng để dành cho đầu tư, thì nay con số này chỉ còn 19 đồng. Điều đó cho thấy những khó khăn của nền kinh tế vẫn còn rất nhiều và cũng như Chính phủ và người dân, các cơ quan được phân bổ và sử dụng vốn ngân sách từ trung ương tới các địa phương cần phải thắt chặt chi tiêu, cân nhắc kỹ từng quyết định đầu tư và sử dụng từng đồng tiền đầu tư sao cho hiệu quả và tiết kiệm nhất.

Lý thuyết là như vậy, nhưng trên thực tế, ở các địa phương, ngày ngày vẫn có hàng nghìn công trình xây dựng cơ bản trong tất cả mọi lĩnh vực, ngành nghề đang bị lãng phí. Từ những công trình nhỏ phục vụ đời sống dân sinh của một vùng, cho tới những công trình quy mô lớn, mang tầm cỡ quốc gia đã được kỳ vọng là có tác động tích cực tới kinh tế xã hội đất nước như Bảo tàng Hà Nội hay Trung tâm thể thao quốc gia Mỹ Đình. Có vô vàn kiểu lãng phí: ví dụ như chất lượng công trình xây dựng kém dẫn tới công trình đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã hỏng như công trình trụ sở của UBND quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Công trình này tính cả xây và sửa chỉ trong 3 năm đã tiêu tốn của ngân sách Nhà nước tới gần 100 tỷ đồng. Cũng có kiểu lãng phí là phá hỏng công trình cũ đi để xây dựng công trình mới có công năng tương đương, như việc bóc bỏ lớp nhựa đường cũ còn tốt để thảm lớp nhựa đường mới ở một số tuyến xe buýt tại Hà Nội. Nhưng phổ biến nhất là công trình xây xong rồi bỏ đó, hoặc sử dụng với hiệu suất rất thấp. Hình ảnh những ngôi trường, khu chợ, nhà làm việc, hầm vượt đường bộ, dải phân cách, trung tâm thể dục thể thao, nhà văn hóa… tốn tiền tỷ xây lên rồi để không hoặc thâm chí bị phá bỏ vì không phù hợp quy hoạch xuất hiện ở tất cả các địa phương trong cả nước.

Có thể nói những yếu kém trong công tác quy hoạch ở tất cả các ngành, địa phương, lĩnh vực là thủ phạm đầu tiên của tình trạng lãng phí trong xây dựng cơ bản. Tình trạng quy hoạch không theo đúng nguyên tắc công khai và minh bạch, không nghiên cứu đầy đủ các nhu cầu của xã hội và thực tiễn của địa phương là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới rất nhiều công trình xây dựng cơ bản bị bỏ hoang, hiệu suất sử dụng kém hoặc thậm chí bị phá bỏ vì không hợp quy hoạch.

Cùng với đó là hàng trăm tỷ đồng ngân sách bị mất đi. Trong khi hàng năm ngân sách trung ương và từng địa phương vẫn dành một khoản không nhỏ cho công tác lập và thẩm định quy hoạch, thì việc quy hoạch thiếu thực tế dẫn tới các công trình lãng phí cần phải được quy trách nhiệm cho từng cá nhân tham gia công tác này.

Chất lượng xây dựng không đảm bảo cũng là một thủ phạm gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Theo một chuyên gia trong ngành xây dựng, tình trạng xà xẻo, tráo đổi nguyên vật liệu xuất hiện ở nhiều công trình sử dụng ngân sách là nguyên nhân dẫn đến chất lượng công trình giảm sút khiến ngân sách phải thêm một khoản chi cho sửa chữa. Để ngăn ngừa tình trạng này, không chỉ cần công tác kiểm soát chặt chẽ trong từng khâu của quá trình xây dựng, mà còn cần đổi mới tư duy chỉ đạo xây dựng, không chạy theo thành tích để ép tiến độ. Vì càng làm nhanh thì sẽ càng làm ẩu.

Nâng trần bội chi là lựa chọn khó khăn giữa tăng trưởng và kiềm chế lạm phát. Tất nhiên, tăng trưởng là rất cần thiết, nếu không tăng trưởng thì không thể có việc làm và thu nhập. Nhưng càng nới trần bội chi thì càng phải siết chặt kiểm soát đầu tư công để kiềm chế lạm phát, để từng đồng tiền thuế mà người dân và doanh nghiệp đóng góp được sử dụng một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất./.

DiaOcOnline.vn - Theo VOV