Không “nói chơi” với nhà thầu ngoại

Cập nhật 14/08/2013 13:20

Dự án cầu Nhật Tân chậm tiến độ do chậm bàn giao giải phóng mặt bằng đã khiến ngân sách phải chi hơn 155 tỉ đồng cho nhà thầu Nhật Bản. Mặc dù, chậm giải phóng mặt bằng là căn bệnh trầm kha của các dự án giao thông công cộng nhưng đối với các nhà thầu nước ngoài đây không còn là chuyện nói chơi mà cứ theo hợp đồng để phạt.


Cầu Nhật Tân đang được xây dựng

Không thể biện minh chậm bàn giao mặt bằng là lỗi của ai. Với nhà thầu nước ngoài thì mọi việc chỉ cần căn cứ vào hợp đồng. Ban đầu nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) đã đòi mức bồi thường lên tới 400 tỉ đồng. Sau nhiều lần thương thuyết và tính toán lại giữa Bộ GTVT và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), nhà thầu mới chấp nhận mức bồi thường gần 156 tỉ đồng.

Chậm giải phóng mặt bằng là... “chuyện nhà”

Thực tế, không chỉ dự án Cầu Nhật Tân (đoạn tuyến tránh Phú Thượng) bị chậm tiến độ, mà hàng loạt dự án trọng điểm khác liên tục bị nhà thầu khiếu nại, thậm chí có thể sẽ khởi kiện ra tòa vì vướng mặt bằng. Tuy nhiên, chậm giải phóng mặt bằng đến mức phải bồi thường cho nhà thầu nước ngoài thì đây có thể xem là lần đầu tiên người dân được biết đến. Theo lý giải của đại diện Ban quản lý dự án 85, số tiền gần 156 tỉ đồng này là khoản tiền được “bổ sung chi phí” cho nhà thầu vì chậm giải phóng mặt bằng. Số tiền này sẽ được cộng thêm vào tổng chi phí ngân sách dành cho dự án cầu Nhật Tân.

Mặc dù, nhà thầu Tokyu khởi công gói thầu số 3 - gói thầu đường dẫn cầu Nhật Tân thuộc địa phận huyện Đông Anh (Hà Nội) bắt đầu từ tháng 4/2009. Tuy nhiên, tiến trình thi công liên tục phải tạm dừng do vướng mặt bằng. Phải đến tháng 3/2012, công tác giải phóng mặt bằng mới hoàn tất, khiến hợp đồng thi công kéo dài thêm 27 tháng.

Theo ông Nguyễn Lê Minh - Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Nhật Tân, Ban quản lý dự án 85, hiện nay, mặt bằng ở nút giao Phú Thượng và tuyến tránh vẫn chậm chưa được bàn giao. Tới nay, trên địa phận quận Tây Hồ, mặt bằng thuộc dự án này vẫn chưa giải phóng xong. Để tránh việc nhà thầu tiếp tục phạt tiền, Ban QLDA 85 thực hiện phương án, có mặt bằng đến đâu, mời nhà thầu vào đến đấy.

“Ra ngoài” chỉ nói chuyện hợp đồng kinh tế
Hiện nay các nhà thầu nước ngoài liên tục gửi đơn khiếu nại về công tác giải phóng mặt bằng

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, việc chủ đầu tư - Ban quản lý Dự án 85 (PMU85) phải thanh toán chi phí chậm bàn giao mặt bằng gói thầu số 3 (xây dựng đường dẫn phía Bắc dài 4,6 km), Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu cho nhà thầu Nhật Bản Tokyu là không thể đảo ngược. Ông Trường cho biết, những khó khăn, vướng mắc trong việc bàn giao mặt bằng cho nhà thầu đều đã được chủ đầu tư thường xuyên cập nhật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế công tác giải phóng mặt bằng của Dự án đều không đáp ứng được theo các mốc tiến độ mà Hà Nội cam kết.

Trên thực tế, nhờ sự nỗ lực dàn xếp của Bộ GTVT và JICA nếu không chủ đầu tư là nhà thầu Tokyu đã khiếu nại lên Trọng tài Quốc tế (ICC). Khi đó, ngoài việc tốn kém khoản chi phí đáng kể cho việc theo đuổi giải quyết khiếu nại, phần thua thiệt sẽ rơi vào phía Việt Nam khi mà lỗi trễ mặt bằng là không thể phủ nhận.

Ngoài cầu Nhật Tân, hàng loạt chủ đầu tư, Ban QLDA đang lo lắng trước nguy cơ nhà thầu nước ngoài kiện, đòi tiền đền bù. Theo ông Đỗ Tất Bình - Trưởng Ban QLDA Nhà ga T2 Nội Bài (thuộc địa phận huyện Sóc Sơn, Hà Nội), với tình hình giải phóng mặt bằng hiện nay, khả năng các nhà thầu Nhật tiếp tục kiện đòi đền bù là rất lớn.

Tương tự như vậy, ông Lương Quốc Việt - Phó TGĐ TCty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc VN (VEC) cho biết, chủ đầu tư Dự án Cao tốc Hà Nội - Lào Cai, hiện nay các nhà thầu nước ngoài liên tục gửi đơn khiếu nại về công tác giải phóng mặt bằng.

Trên thực tế, đã có chủ đầu tư bộc bạch, khác với những nhà thầu nội thường ngại đấu lý, đòi quyền lợi với chủ đầu tư khi bị chậm tiến độ, các nhà thầu nước ngoài làm ăn bài bản, rất mạnh về pháp lý và sẵn sàng đưa ra yêu cầu bồi thường đối với những thiệt hại tài chính mà không do lỗi của họ. Với lỗi chậm giải phóng mặt bằng, các chủ đầu tư thường phải “âm thầm” hỗ trợ nhà thầu thông qua điều chỉnh tỷ lệ trượt giá, bổ sung phát sinh. Đây cũng chính là lý do khiến các chủ đầu tư thường không dám mạnh tay xử lý nhà thầu yếu kém.


DiaOcOnline.vn - Theo Diễn đàn doanh nghiệp