Sức tiêu thụ, giá nhiều loại thép sụt giảm, lượng thép tồn đọng lớn... là tình trạng đang phải đối mặt của ngành Thép Việt Nam. Tuy nhiên, tại hội thảo “Ngành Thép Việt Nam - Những khó khăn cần tháo gỡ” do Trung tâm Thông tin Kinh doanh và Thương mại (Hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội) tổ chức hôm qua 25-10, các kiến nghị cho thấy, vấn đề đối với ngành Thép hiện nay không chỉ là chuyện Nhà nước điều chỉnh thuế suất xuất, nhập khẩu.
Ứ đọng... hàng chục nghìn tỷ đồng
Chính phủ đang áp dụng các biện pháp kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng các công trình công cộng dẫn tới lượng tiêu thụ thép giảm đáng kể. Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, lượng tiêu thụ thép còn giảm nữa. TS Đặng Dũng, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội, cho biết lượng thép dự trữ phôi, tấm, hình... hiện vẫn ứ đọng với số lượng lớn, mà số hàng này chủ yếu sử dụng tín dụng ngắn hạn. Bà Nguyễn Thị Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Thái Hưng chuyên về phân phối thép đồng tình: “Các doanh nghiệp còn tồn gần 3 triệu tấn thép thành phẩm, gần 1 triệu tấn phôi thép mua dự trữ từ khi giá còn cao và khoảng 500.000 tấn thép phế liệu...”.
Ông Trần Anh Vương, Giám đốc Công ty CP Thép Bắc Việt, khái quát lại cơn khốn đốn của ngành Thép. Từ quý 1, khi có dấu hiệu suy thoái kinh tế, Chính phủ thắt chặt tiền tệ, các doanh nghiệp bắt đầu giảm nhịp độ nhập khẩu cả thép thành phẩm lẫn phế liệu. Sang quí 2, do chính sách thắt chặt tín dụng dẫn tới doanh nghiệp “đói vốn” mà thép trên thị trường thế giới lại lên giá (so với giá doanh nghiệp Việt Nam nhập về cảng lúc đó cao hơn khoảng 20%), doanh nghiệp đang thừa rất nhiều thép, phôi thép tại cảng nên buộc phải tái xuất. Sau đó, nhằm chặn đà xuất khẩu, ngày 1-8 thuế suất xuất khẩu phôi thép được tăng lên 20%. Doanh nghiệp đồng tình giữ thép lại, song đối diện với chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Quý 3, đầu quý 4, các công trình xây dựng và hệ thống công ty cơ khí, đặc biệt là đóng tàu nội địa (không kể tàu xuất khẩu của Vinashin) hết vốn sản xuất, sức tiêu thụ thép trong nước giảm mạnh. Khó khăn thực sự xảy ra.
Tổng số công trình, dự án của các bộ, ngành, địa phương hoãn khởi công, ngừng triển khai hoặc giãn tiến độ trong năm 2008 là 1.968 dự án với 5.991 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty có 1.145 dự án, với tổng số vốn 31.086 tỷ đồng, giảm 12,7% so với kế hoạch. Tổng số vốn hoãn, đình trên đây tương đương giá trị của 3 triệu tấn thép tồn đọng (2,1 tỷ USD, khoảng 35.700 tỷ đồng). - Ông Vương tính toán.
Cần quy hoạch có tầm nhìn
Hiện nay, giá phôi thép và thép trên thị trường thế giới đang giảm mạnh do kinh tế suy thoái, nhu cầu xây dựng giảm. Giá thép thế giới giảm mạnh chắc chắn sẽ tác động đến thị trường Việt Nam. Một số ý kiến khác cảnh báo, đến nay mà các doanh nghiệp thép vẫn xin bảo hộ là đáng lo ngại. Việt Nam đã vào WTO, chuyện điều chỉnh thuế để bảo hộ sản xuất trong nước chỉ nên giới hạn. Hơn nữa, làm như vậy sẽ không thể giúp các doanh nghiệp trong nước tăng sức mạnh, bởi chừng nào còn bảo hộ các doanh nghiệp còn ỷ lại.
Cũng phải thấy rằng sản xuất, kinh doanh thép hiện lạc hậu về kết cấu thị trường, công nghệ, mất cân đối về cơ cấu sản phẩm, qui trình sản xuất. Hệ thống phân phối chưa hoàn thiện, khả năng dự báo thị trường, giá cả rất hạn chế. Song bà Nguyễn Thị Vinh nhìn nhận, chính sự “di động” của thuế suất đối với thép xuất nhập khẩu đã gây khó cho doanh nghiệp. Trên thực tế, nhiều thời điểm doanh nghiệp có thể xuất khẩu có lãi song việc đánh thuế cao đã hạn chế xuất khẩu, gây áp lực lên thị trường trong nước.
So sánh với việc điều hành thị trường gạo, bà Vinh cho hay: - Vấn đề hiện không còn bởi yếu tố Nhà nước giảm thuế suất xuất khẩu, tăng thuế suất nhập khẩu nữa. Do khả năng dự báo không chính xác dẫn tới điều hành không kịp thời, lúc giá thị trường thế giới cao hơn thì doanh nghiệp bị hạn chế xuất khẩu (về mặt chính sách), còn giờ giá thị trường thế giới thấp nhưng không doanh nghiệp nào dám nhập vì không lường được diễn biến tiếp theo.
Ông Trần Anh Vương kiến nghị, về ngắn hạn, Nhà nước cần có chính sách vốn linh hoạt, hợp lí cho sản xuất, kinh doanh thép. Đồng thời, Chính phủ cần có chủ trương mua dự trữ thép khi cần thiết. Đặc biệt, cần điều hành vĩ mô thông qua cơ chế thuế, theo đó phải thay đổi thuế suất xuất khẩu và nhập khẩu đối với tất cả các mặt hàng thép. Ngoài ra, Nhà nước cần giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là cho vay tiền đồng, để mua bán thép nội địa nhằm sử dụng hết hàng tồn kho trong nước trước khi cho vay ngoại tệ để nhập khẩu...
Chia sẻ với doanh nghiệp, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá chính sách cho ngành Thép hiện chưa ổn định. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp “liên tục gặp khó khăn” chứng tỏ tầm nhìn của doanh nghiệp có vấn đề. Vì vậy, các doanh nghiệp nên thống nhất kiến nghị, nhằm hình thành chiến lược cho ngành Thép, với qui hoạch có tầm nhìn. “Chúng ta chấp nhận bảo hộ hay “thả” ngành thép? Bảo hộ hay “thả” phải dựa trên căn cứ thực tế và có chính sách phù hợp?” - Ông Thiên nêu vấn đề, đồng thời cho rằng phải “xem xét” lí do bùng nổ đầu tư FDI trong lĩnh vực thép. Tại sao họ lại chọn Việt Nam để đầu tư sản xuất, kinh doanh thép trong khi chúng ta đang phải lo tháo gỡ khó khăn hiện tại.
Theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu thép của Việt Nam đạt khoảng 10-11 triệu tấn vào năm 2010, 24-25 triệu tấn vào năm 2025. Tuy nhiên, với công suất đăng kí của những dự án lớn hiện nay Tycoon-E-United (tỉnh Quảng Ngãi) chiếm 5 triệu tấn, Formusa-Sunco Steel (Hà Tĩnh) chiếm 15 triệu tấn, Posco (Khánh Hòa) chiếm 5 triệu tấn, VSC - Tata (Hà Tĩnh) chiếm 4,5 triệu tấn, Vinashin - Lion (Quảng Ngãi) có 4,5 triệu tấn, nếu những khó khăn hiện nay không được tháo gỡ một cách bài bản, khi ấy - ông Đặng Dũng đặt câu hỏi - liệu doanh nghiệp có thể biến khủng hoảng thành cơ hội đổi mới chuỗi giá trị cho ngành Thép?
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới