Thị trường vật liệu được ví như "bánh mì" của ngành xây dựng, bất động sản. Khi "người ốm chán ăn", ngành vật liệu cũng trở nên ế ẩm. Vậy đâu là lối thoát khả dĩ cho thị trường này?
Con số tồn kho bất động sản tại 44 tỉnh thành mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng công bố trước Quốc hội tuần qua là: Căn hộ chung cư tổng cộng 16.469 căn; nhà ở thấp tầng 5.176 căn; đất nền tổng cộng 1.624.878 m2; văn phòng, trung tâm thương mại 25.870 m2. Trong tổng giá trị tồn kho ước tính khoảng 40.750 tỷ đồng ấy, một lượng giá trị vật liệu xây dựng không nhỏ cũng phải chịu chung số phận “chôn chân” cùng bất động sản. Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”, bởi lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang trở thành nguy cơ có thể đẩy hàng loạt doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.
Giật mình các con số
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, tổng tồn kho xi măng đến nay là 2,9 triệu tấn toàn ngành. Tồn kho vật liệu xây dựng khác như gạch nung khoảng 2 tháng sản xuất, gạch ceramic khoảng 2 tháng sản xuất, đặc biệt, kính xây dựng tồn kho đến 3 tháng sản xuất và các doanh nghiệp đã phải giảm công suất xuống còn 60 - 70%.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng cho biết, hiện nay tồn kho khoảng 190.000 tấn thép. “Đây là mức tồn kho tương đối cao”, Bộ trưởng Hoàng đánh giá và cho rằng, lý do là hoạt động sản xuất trong nước thời gian qua chưa được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ theo quy hoạch, dẫn đến công suất của các nhà máy thép dư thừa so với nhu cầu. Việc thép nhập ngoại tăng lên do giá thấp hơn giá trong nước cũng là một nguyên nhân.
Không đồng tình với những số liệu trên, ông Trương Minh Hoàng, Đoàn đại biểu Quốc hội Cà Mau cho biết: “Số lượng hàng tồn kho lớn hơn nhiều. Ví dụ, 40 triệu m2 gạch ốp lát, 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 300.000 tấn thép, gần 100.000 tấn kính, hàng chục triệu tấn xi măng và nhiều loại sản phẩm khác”, đại biểu Hoàng nói và cho rằng, ngoài lý do vì lãi suất cao, thị trường chậm phát triển, còn có nhiều nguyên nhân khác như yếu kém trong khâu quy hoạch, cập nhật và dự báo tình hình để dư thừa sản phẩm ở mức cao.
Cần giải pháp “dài hơi” hơn
Thừa nhận “tồn kho ảnh hưởng nặng nhất đến những doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng”, Bộ trưởng Dũng cho biết, Bộ Xây dựng đang tập trung quyết liệt tháo gỡ hàng tồn kho, không để ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp.
Cụ thể, trước hết là phải giải quyết được vấn đề ách tắc vốn đầu tư, để nguồn vốn đã có, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư công, được rót vào công trình, dự án. Thứ hai là dỡ bỏ những rào cản, đặc biệt là những thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng để thực hiện nhanh các dự án ODA, FDI, những dự án của các doanh nghiệp đầu tư. Thứ ba là phải tập trung sử dụng vật liệu trong nước, chẳng hạn như sử dụng xi măng để làm đường giao thông; tập trung làm nhà ở bình dân, giá rẻ, nhà ở cho người nghèo...
“Nhiều doanh nghiệp đầu tư bất động sản của nước ngoài đầu tư tại Việt Nam đã điều chỉnh nội thất hoàn thiện bằng những vật liệu trong nước. Đây là tín hiệu rất tốt để giảm tồn kho vật liệu trong nước”, Bộ trưởng Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, có 3 nguyên nhân dẫn đến hàng tồn kho vật liệu xây dựng tăng cao: Thứ nhất, việc xây dựng, ban hành quy hoạch và thực hiện quy hoạch có những bất cập, giữa nhu cầu với bố trí sản xuất không gặp nhau; thứ hai, công tác dự báo còn hạn chế, thậm chí yếu kém; thứ ba, bản thân các doanh nghiệp cũng thiếu chủ động trong việc phân tích thị trường để kịp thời điều chỉnh sản xuất.
“Chúng tôi nghĩ rằng, những nguyên nhân này đã tương đối rõ và trong thời gian tới cần phải tập trung khắc phục, trong đó có việc nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý nhà nước và dự báo”, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.
Ở tầm nhìn quản lý ngành, Bộ trưởng Dũng cũng đề xuất một số giải pháp được xem là “dài hơi” hơn như xử lý nợ xấu của doanh nghiệp, tái cơ cấu các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán