Hà Nội: 118 dự án không giải ngân được đồng nào

Cập nhật 12/07/2013 09:00

Sáng 11-7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì giao ban trực tuyến về tình hình xây dựng cơ bản (XDCB) trên địa bàn TP quý II/2013, nhấn mạnh nguyên nhân và giải pháp đẩy nhanh tốc độ giải ngân và xóa nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB).


118 dự án có số giải ngân bằng không
 
Ông Đào Thái Phúc, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội khẳng định, số liệu giải ngân là số tiền đã thực rút khỏi kho bạc chứ không phải là số liệu theo hồ sơ đề nghị như nhiều người nhầm tưởng.

Theo đó, tính đến ngày 10-7-2013, ngân sách TP giải ngân cho các địa phương đạt tỷ lệ 45%, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các quận huyện giải ngân ngân sách TP đạt 62%, ngân sách địa phương được 37%.

Cũng theo đại diện Kho bạc Nhà nước Hà Nội, tính đến ngày 30-6-13, Hà Nội có 118 dự án với tổng vốn bố trí xấp xỉ 450 tỷ đồng có số giải ngân bằng …không! Một số đơn vị có số vốn đầu tư cao nhưng tỷ lệ giải ngân thấp như: Sở Y tế là 34 %, Sở Lao động Thương binh Xã hội là 31%, Sở Văn hóa, Thể thao &Du lịch là 19%, Sở Khoa học Công nghệ là 5%... Hoài Đức là huyện chưa có số giải ngân ngân sách TP và tỷ lệ giải ngân ngân sách địa phương thấp, chỉ đạt 30%.

Ông Phúc cũng đề nghị TP cần có chính sách quyết liệt để thu hồi vốn đối với các dự án không có khả năng thực hiện bởi lẽ từ năm 2012 trở về trước, số vốn tạm ứng mà Hà Nội đã chi là 12.800 tỷ đồng, trong đó 1.500 tỷ cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo qui định của Bộ Tài chính, vốn GPMB đã quá sáu tháng mà chưa thực hiện việc giải ngân thì phải bị thu hồi. Thực tế nhiều dự án của Hà Nội bị chậm nhưng lại chưa bị thu hồi.

Tại cuộc giao ban, đại diện của một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân chậm như: Hoài Đức, Sở Khoa học Công nghệ “phân trần”, hạng mục dự án đầu tư vào giai đoạn sáu tháng cuối năm lớn hoặc khởi công dự án của đơn vị muộn, do đó sẽ vẫn hoàn tất việc giải ngân theo đúng kế hoạch của cả năm.

Ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, tỷ lệ giải ngân của Sở đạt 43% (753/14000 tỷ đồng). Hiện Sở “chỉ có ba công trình chứ không phải là năm công trình chưa giải ngân như theo báo cáo của Sở Kế hoạch Đầu tư, gồm cầu Văn Phương, cầu Triền, cải thiện hệ thống vận tải công cộng.

Kiên quyết “xử” nợ đọng xây dựng cơ bản

Xử lý ách tắc GPMB cũng là kiến nghị của nhiều sở ngành trong buổi giao ban.

Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải, một trong những vướng mắc khiến tỷ lệ giải ngân của Sở chậm chính là việc “tắc” ở khâu phê duyệt phương án GPMB. Sở Xây dựng cũng kiến nghị TP giúp đỡ công tác GPMB của dự án xử lý rác thải.

Tuy nhiên theo Sở Tài chính, do tình hình bất động sản trầm lắng nên các đơn vị tư vấn thu thập tài sản so sánh gặp vướng khi thực hiện việc bồi thường cho người dân sát giá thị trường theo Quyết định số 02. Ttrên thực tế có những dự án chưa xác định mốc giới nhưng cứ đổ lỗi cho Quyết định 02.

Ông Trương Quang Thiều- Trưởng ban chỉ đạo GPMB Hà Nội cho hay, thực tế nhiều cơ chế chính sách trong công tác GPMB đã được tháo gỡ. GPMB chậm không chỉ do Quyết định 02 mà do thủ tục pháp lý để triển khai công tác GPMB như chỉ giới, mốc giới. Bên cạnh đó việc triển khai các khu tái định cư cũng rất chậm, gây ảnh hưởng công tác GPMB.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, về vướng mắc do văn bản, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan phải “lao” vào cuộc, “bám” đến cùng”, “cứ chờ thì đến bao giờ?”. Nhận xét về thời hạn đến ngày 30-6, ngân sách TP chưa giải ngân được 50%, ông đánh giá: “Vốn có, kế hoạch có, điều kiện có mà tỷ lệ giải ngân chưa đạt được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra là “có tội”.

Về vấn đề nợ đọng XDCB trên 700 tỷ đồng, ông Sửu cho rằng, “Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư phải có trách nhiệm”.

“Những nơi có số nợ lớn trách nhiệm thuộc về chủ tịch các quận, huyện. Hà Nội kiên quyết xử lý hết nợ XDCB trong năm 2014, không để đến năm 2015 như đề nghị của một số quận, huyện. Nếu địa phương nào không có khả năng sẽ báo cáo ngay với TP để có biện pháp giải quyết.”- Ông Sửu khẳng định.

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận định, nhiều huyện được đầu tư nhiều nhưng tỷ lệ giải ngân chưa tương xứng. Việc GPMB đối với một số công trình trọng điểm của quốc gia và TP còn chậm như Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc, ĐH Quốc gia. Khối lượng vốn tạm ứng hơn 2000 tỷ chưa có nguồn quỹ thanh toán.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thời gian tới, TP sẽ tiến hành thanh tra công vụ đối với một số công trình cụ thể. Đối với những công trình, dự án không thể thực hiện, phải chuyển vốn cho các dự án trọng điểm, dự án gây bức xúc trong dân hay những dự án có thể hoàn thành nhưng thiếu vốn.

DiaOcOnline.vn - Theo Nhân Dân