Gian nan việc sử dụng vật liệu xây không nung

Cập nhật 04/03/2013 13:10

Từ giữa tháng 1/2013, Thông tư 09 của Bộ Xây dựng quy định sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) trong các công trình xây dựng từ ngân sách nhà nước có hiệu lực. Tuy nhiên, để thực hiện được lộ trình Bộ Xây dựng đặt ra là sau năm 2015 tất cả các công trình xây dựng đều phải sử dụng 100% VLXKN thì vẫn còn nhiều khó khăn.

Việc sử dụng VLXKN sẽ mang lại nhiều lợi ích về môi trường và kinh tế. Theo Bộ Xây dựng, để triển khai áp dụng các quy định về việc sử dụng VLXKN thì cần khẩn trương chuyển đổi công nghệ sản xuất và cả nâng cao nhận thức cho người dân.

Lợi ích nhiều mặt

Chương trình VLXKN đã được Chính phủ chỉ đạo triển khai từ cách đây gần ba năm. Cụ thể: Tháng 4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 567 phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 (gọi tắt là Chương trình 567); đến tháng 4/2012, Thủ tướng ban hành chỉ thị số 10 về việc Tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung.

Sản xuất gạch không nung tại Công ty cổ phần gạch Khang Minh, Cụm công nghiệp Tây Nam, thành phố Phủ Lý (Hà Nam). Ảnh: Minh Đông - TTXVN

Mới đây nhất, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 09 quy định chi tiết việc sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng (có hiệu lực từ ngày 15/1/2013). Theo thông tư này, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước bắt buộc phải sử dụng VLXKN theo lộ trình: Từ ngày 15/1/2013, phải sử dụng 100% VLXKN đối với công trình tại đô thị loại 3 trở lên và tối thiểu 50% tại các khu vực còn lại; sau năm 2015, tất cả các công trình xây dựng đều phải sử dụng 100% VLXKN. Riêng các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây.

Quy định về việc sử dụng VLXKN được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu sử dụng gạch xây ở nước ta đang ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, mỗi năm cả nước đã sử dụng tới 24 tỉ viên gạch xây. Năm 2020 ước tính nhu cầu sử dụng sẽ lên tới khoảng 40 tỉ viên gạch. Với tình hình sử dụng vật liệu nung như hiện nay, ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (VLXD), Bộ Xây dựng dự báo: Vào năm 2015 cả nước sẽ tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, 0,15 triệu tấn than đồng thời thải ra bầu không khí trên nửa triệu tấn CO2. Nếu chúng ta sử dụng hoàn toàn gạch đất sét nung cho xây dựng thì chả mấy chốc sẽ cạn kiệt đất sét, tiêu tốn một khối lượng lớn than, những nguồn tài nguyên không tái tạo, đất canh tác bị thu hẹp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Lượng khí thải do đốt gạch gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Theo Bộ Xây dựng, VLXKN đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới do có những tính năng ưu việt về tiết kiệm tài nguyên và đảm bảo môi trường. Cụ thể, so với các loại vật liệu nung, do có thể tận dụng được các chất phế thải trong công nghiệp như tro xỉ, than bay để làm ra sản phẩm nên việc tăng sử dụng VLXKN sẽ tiết kiệm được lượng lớn tài nguyên thiên nhiên như đất sét và than đá... Một số sản phẩm VLXKN có tính chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt phòng hỏa, chống thấm, chống nước, kích thước chuẩn xác, quy cách hoàn hảo hơn vật liệu nung nên hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của ngành xây dựng.

Chưa quen với sản phẩm mới

Có nhiều tính năng ưu việt nhưng thực tế việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển VLXKN ở nước ta không hề dễ dàng. VLXKN là sản phẩm mới nên vẫn còn nhiều khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy: Sản lượng gạch đất sét nung năm 2011 của cả nước vào khoảng 20,9 tỷ viên, chiếm 83,7% vật liệu xây, trong đó sản lượng gạch sản xuất bằng lò thủ công vẫn chiếm khoảng 40%. Năm 2012, sản lượng gạch đất sét nung vẫn là 16,5 tỷ viên, chiếm 82% so với tổng số vật liệu xây.

Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD cho biết: Mặc dù Bộ Xây dựng đã yêu cầu về tỷ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng nhưng việc đầu tư các nhà máy sản xuất VLXKN còn chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, tiêu thụ vật liệu xây dựng sụt giảm là một lý do nhưng quan trọng hơn là các cấp chính quyền, chủ đầu tư chưa mạnh dạn đầu tư phát triển các nhà máy sản xuất VLXKN. Bên cạnh đó, do thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn hạn chế nên nhiều nhà đầu tư sản xuất VLXKN còn đưa vào sử dụng những dây chuyền sản xuất với công nghệ trung bình, thiếu đồng bộ nên đã không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm và người tiêu dùng nghi ngại.

Một lý do khác là các nhà tư vấn, thiết kế và người dân vẫn chưa quen sử dụng VLXKN. Ở các vùng nông thôn, hầu hết người dân vẫn giữ thói quen sử dụng gạch đất sét nung - mặc dù chi phí đầu vào cao, gây ô nhiễm môi trường và tốn kém tài nguyên đất. Còn ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ sử dụng VLXKN cũng rất thấp.

DiaOcOnline.vn - Theo Tin Tức