Giải pháp nào cứu ngành thép?

Cập nhật 11/11/2008 01:00

Cuộc họp giữa các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép trong nước với Bộ Công thương ngày 10-11 diễn ra trong sự tranh luận gay gắt giữa các bên nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu nhằm cứu một nửa trong tổng số DN sản xuất thép trong nước đang bên bờ phá sản.

Trong lúc này, lượng thép tồn đọng tại các DN sản xuất, thương mại đã lên 2-3 triệu tấn và số lỗ cầm chắc do giá thép thế giới giảm nhiều, trong khi lãi suất ngân hàng vẫn cao (phải trả lãi lên tới 2 tỷ USD).

Mâu thuẫn quyền lợi


Tại cuộc họp, Hiệp hội Thép Việt Nam và nhiều DN như Hòa Phát, Đình Vũ, Nam Vang… đề nghị sử dụng công cụ thuế để bảo hộ ngành sản xuất phôi thép. Trong khi Hiệp hội Thép đề nghị nâng thuế nhập khẩu phôi thép từ mức 2% như hiện nay lên mức 20%; thép cuộn cán nguội từ 7% lên 9%; thép cuộn cán nóng từ 5% lên 10% và thép xây dựng lên 25%, các chuyên gia kinh tế và nhiều DN lại khẳng định, giải pháp nâng thuế nhập khẩu cần được xem xét thật cẩn trọng trong mối tương quan bảo đảm lợi ích giữa DN sản xuất phôi thép và DN cán thép; giữa DN thép và các DN xây dựng và cơ khí cũng như giữa DN sản xuất kinh doanh với quyền lợi tối thượng của người tiêu dùng.

Đại diện thép Việt-Úc cho rằng: Việc tăng thuế nhập khẩu phôi thép sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều DN khác và quyền lợi được dùng thép giá rẻ của khách hàng. Thêm vào đó, thuế tăng dẫn tới giá thành sản xuất nhiều ngành sử dụng thép làm nguyên liệu đầu vào tăng, dẫn tới không kích cầu được đầu tư xây dựng, trong nhiều trường hợp sẽ là nguyên nhân dẫn tới lạm phát.

Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) cũng cho rằng: Mặc dù đời sống của hơn 17 nghìn lao động có thể bị ảnh hưởng khi sản xuất bị đình trệ nhưng tổng công ty cũng không kiến nghị lên Chính phủ tăng thuế nhập khẩu phôi thép và các sản phẩm thép, bởi đây là giải pháp ngắn hạn và không giải quyết được triệt để vấn đề.

Hơn nữa, việc tồn đọng phôi thép và sản phẩm thép dẫn tới thua lỗ như hiện nay là do trong thời gian vừa qua, nhiều DN sản xuất, thương mại đã tính toán sai lệch nhu cầu, không nhạy bén với biến động kinh tế thế giới và trong nước, kinh doanh theo phong trào.

Thực tế, Việt Nam vẫn là nước phải nhập khẩu phôi thép do sản xuất trong nước mới đáp ứng được 20% nhu cầu. Vì vậy, giải pháp nâng thuế chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn và phải tính toán dựa trên quyền lợi lâu dài của DN sản xuất phôi thép và cán thép.

Theo Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương, tập hợp kiến nghị tăng thuế nhập khẩu của Hiệp hội Thép mới dừng lại ở việc tập hợp quyền lợi của DN sản xuất phôi thép, chưa tính toán đến lợi ích toàn cục của cả ngành thép và nền kinh tế. Hiệp hội cũng thừa nhận thực sự bối rối do không thể thống nhất quyền lợi của các nhóm để đưa ra một giải pháp cân bằng hiệu quả cứu cánh cho các DN.

Cần giải pháp phù hợp cân bằng quyền lợi

“Lời ăn, thua chịu” là việc mà các DN phải chấp nhận trong nền kinh tế hội nhập. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn việc cần làm trước mắt chính là khơi thông “đầu ra” cho sản xuất thép. Đại diện VNS khẳng định như vậy.

Với lượng thép tồn, ngoài nguyên nhân chủ quan do dự báo của DN chưa sát với tình hình còn do chính sách quản lý vĩ mô. Đại diện Hòa Phát cho rằng: Nhu cầu tiêu thụ thép giảm còn 1/3 so với bình thường do đình hoãn các công trình xây dựng để kiểm soát lạm phát khiến DN trở tay không kịp. Chính phủ cần có giải pháp để kích cầu đầu tư xây dựng các công trình có hiệu quả kinh tế để tăng tiêu thụ thép.

Trong khó khăn, việc lập ra một quỹ bình ổn thép là điều rất khó khăn do cần đến một lượng vốn lớn, Chính phủ cần có chính sách giãn nợ, giãn thuế để DN sản xuất phôi thép có thể trụ vững. Hơn nữa, việc có các chính sách hỗ trợ kịp thời không chỉ cứu nền sản xuất phôi thép non trẻ mà còn hạn chế tác động nặng nề đến nền kinh tế do các dự án đầu tư sản xuất phôi thép phải vay vốn lớn từ ngân hàng.

Về lâu dài, đại diện VNS cho rằng: Các DN cần liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí bằng việc đầu tư sản xuất quy mô lớn. Hiện tại, do sản xuất manh mún và quy mô nhỏ, chi phí sản xuất phôi thép ở Việt Nam cao hơn gần gấp 2 so với thế giới.

Theo Bộ Công thương, khó khăn của DN thép còn dài và rất khó dự báo nên DN phải tự cứu mình. Việt Nam vẫn phải nhập khẩu phôi thép nhưng quan điểm của Bộ Công thương là sẽ điều chỉnh thuế nhập khẩu để bảo hộ ngành sản xuất phôi thép - ngành sản xuất thượng nguồn.

Tuy nhiên, hiệp hội, các DN và các vụ liên quan của bộ cần tính toán lượng tồn kho thực tế để có giải pháp phù hợp bảo đảm hài hòa quyền lợi của các bên.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới