Mẫu sản xuất gạch bê tông nhẹ của công ty cổ phần Chế tạo máy và sản xuất mới Trung Hậu (An Giang)
|
Những năm qua, nền sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong lĩnh vực sản xuất gạch ngói. Thế nhưng, mặt trái của nó làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của đất nước như đất sét, than đá và củi đốt. Sự ra đời của vật liệu xây không nung (VLXKN) được xem là một bước đột phá có tác dụng giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên cho đất nước và là xu thế tất yếu cho công nghệ sản xuất vật liệu trong tương lai.
Từ những tồn tại…
Theo KS.Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ xây dựng) để sản xuất 1 tỉ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1.500.000 m3 đất sét, tương đương 75 ha đất nông nghiệp và 150.000 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2. Năm 2020, nhu cầu VLXD khoảng 42 tỉ viên quy tiêu chuẩn, nếu đáp ứng nhu cầu này hoàn toàn bằng gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn khoảng 60-84 triệu m3 đất sét, tương đương khoảng 3.000 ha đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia.
Mặt khác, sản phẩm gạch đất sét nung có kích thước nhỏ, khi xây thường tốn nhiều vữa xây, mất nhiều công lao động, làm chậm tiến độ công trình, không phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Thực tế, ở Đắk Lắk hiện có 287 cơ sở sản xuất gạch ngói các loại, trong đó công nghệ lò nung liên tục kiểu đứng có 162 lò, 4 lò gạch tuy nel và 79 lò thủ công truyền thống. Từ thực tế đó cho thấy, việc chuyền đổi công nghệ sản xuất gạch trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn tồn tại khá nhiều cơ sở sản xuất theo kiểu truyền thống, tác động xấu đến môi trường và hiệu quả kinh tế lại thấp.
TS.Y Ghi Niê, Giám đốc Sở KH-CN Đắk Lắk cho hay, việc chuyển đổi công nghệ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhưng kinh phí rất lớn nên nhiều doanh nghiệp không đủ vốn đầu tư dẫn đến tình trạng chuyển đổi dở dang, buộc phải ngừng hoạt động. Vì vậy, về phía chính quyền địa phương cần phối hợp với các ngân hàng đóng chân trên địa bàn có những cơ chế thoáng về vốn vay để các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ được thuận lợi hơn.
Ông Vũ Kim Quy, Phó Trưởng Phòng Công thương huyện Krông Ana (Đắk Lắk) cho biết, trước đây trên địa bàn huyện có rất nhiều lò sản xuất gạch truyền thống, hầu hết các lò gạch này đều gây ô nhiễm đối với môi trường xung quanh. Đến nay, cơ cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn huyện đã chuyển đổi thành công sang công nghệ lò nung liên tục kiểu đứng và tuy nel, trở thành đơn vị dẫn đầu trong toàn tỉnh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu trong tương lai vẫn duy trì kiểu sản xuất gạch bằng đất sét nung sẽ đồng nghĩa với diện tích đất trồng lúa bị thu hẹp lại, như vậy cần một cuộc cách mạng nữa đối với các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói riêng là chuyển đổi dần sang sản xuất VLXKN.
Đến sự thay thế tất yếu!
Vì những lý do trên, nhiều nước phát triển trên thế giới đã giảm dần sản xuất gạch đất sét nung xuống còn 30-40%, chuyển sang VLXKN là 60-70% sản lượng vật liệu xây. Đến thời điểm hiện nay, ở nước ta VLXKN mới chỉ đạt 8-8,5% trên tổng số vật liệu xây. Qua đó cho thấy, trong những năm qua việc sử dụng và sản xuất VLXKN ở nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu.
Vì vậy, trong quy hoạch tổng thể phát triển VLXD ở Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg về điều chỉnh tỉ lệ VLXKN trên tổng số vật liệu xây vào các năm 2010, 2015, 2020 tương ứng là 10%, 20-25% và 30-40%. Cũng tại Quyết định số 567/QĐ-TTg, ngày 28-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 một lần nữa nhấn mạnh đến mục tiêu trên.
VLXKN là các vật liệu dùng để thay gạch đất sét nung, xây các kết cấu tường bao che, tường ngăn trong các công trình dân dụng, công nghiệp. Thực tế, trên thế giới ở hầu hết các nước có nền kinh tế phát triển tỷ lệ sử dụng VLXKN rất cao. Ở nước ta, đã và đang từng bước sản xuất và sử dụng loại vật liệu này như bê tông nhẹ, bê tông khí, bê tông bọt, gạch silic và một số sản phẩm dạng tấm như thạch cao, tấm 3D,…VLXKN với những ưu điểm nổi trội như: không sử dụng đất sét ruộng mà sử dụng các phế thải công nghiệp như tro bay, xỉ của các nhà máy nhiệt điện đốt than, mạt đá trong công nghiệp khai thác chế biến đá xây dựng, bùn đỏ chất thải của công nghiệp chế biến Bauxit, đá bazan…giảm tiêu tốn năng lượng từ 70 – 80% so với sản xuất gạch đất sét nung, không dùng than, củi, không thải khí CO2, SO2, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, bê tông khí chưng áp AAC là loại vật liệu có trọng lượng rất nhẹ, bằng 1/3 gạch đất sét nung có tác dụng giảm tải trọng lượng công trình, giảm chi phí làm móng, rất phù hợp cho việc xây nhà cao tầng.
Bê tông nhẹ, tấm thạch cao là loại vật liệu xây các công trình xanh, thân thiện với môi trường sinh thái…Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Bắc cho biết, theo quy hoạch phát triển ngành điện và luyện kim thì lượng tro, xỉ thải ra hằng năm tăng rất nhanh. Dự kiến đến năm 2020 lượng phế thải tro, xỉ khoảng 45 triệu tấn, sẽ mất khoảng 1.100 ha mặt bằng chứa phế thải. Trong khi đó, đây là những nguyên liệu đầu vào rất cần thiết trong công nghệ sản xuất VLXKN. Bởi vậy, sự thay thế vật liệu xây có nung bằng không nung là một tất yếu.
Ở nước ta đã xuất hiện nhiều mô hình, công ty sử dụng công nghệ sản xuất VLXKN như Công ty Cổ phần Công nghệ TM Huệ Quang (Vĩnh Phúc), Công ty cổ phần Chế tạo máy và sản xuất vật liệu mới Trung Hậu (An Giang), Cty CP Đầu tư và Bê tông Thịnh Liệt (Hà Nội)…
Theo Quyết định số 567, từ năm 2011 tất cả các công trình nhà từ 9 tầng trở lên buộc phải sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây dựng không nung loại nhẹ có lượng thể tích không lớn hơn 1000 kg mỗi m3 trong tổng số vật liệu xây. Tại Đăk Lăk, hiện tại chưa có mô hình sản xuất VLXKN, trong thời gian tới, cùng với việc duy trì các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung, tỉnh sẽ thí điểm 11 mô hình sản xuất loại vật liệu này để đáp ứng nhu cầu sử dụng VLXD ngày càng nhiều của người dân sở tại.
DiaOcOnline.vn - Theo Đảng CSVN