Giá vật tư tăng mạnh: Nhiều công trình “ngả nghiêng”

Cập nhật 10/05/2008 08:00

Xi măng các loại và đá xây dựng “cháy” hàng đã khiến hàng loạt công trình phải ngưng thi công, nhà thầu thua lỗ, chủ đầu tư nợ nần. Việc phải đến các điểm bán, sản xuất xi măng chầu chực để mua từng bao xi măng, khối đá và chấp nhận mức giá cao ngất ngưởng nhưng vẫn không có… là tình cảnh đang xảy ra trong lĩnh vực xây dựng hiện nay tại TPHCM.

Chóng mặt vì giá

Anh Đỗ Quang Bình, phường 10, quận Gò Vấp TPHCM cho biết, hai ngày qua anh đã chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm mua 100 bao xi măng Hà Tiên nhưng không kiếm đâu ra. “Dự toán ban đầu của tôi khi khởi công xây dựng căn nhà chừng 350 triệu đồng. Bây giờ giá vật tư các loại đều tăng nên đã đội lên thêm 100 triệu đồng. Khổ nỗi, đến công đoạn cuối của công trình là láng nền nhà lại phải ngưng do không mua được xi măng”, anh Bình thất vọng. Tương tự, nhiều công trình nhà ở tư nhân khu vực quận 12, Bình Chánh, Tân Bình… vừa xây đến phần móng, gạch, cát còn chất đống ngổn ngang nhưng phải dừng thi công vì thiếu xi măng.

Không chỉ công trình nhà ở tư nhân, ngay cả những công trình lớn, nhà thầu lẫn chủ đầu tư cũng méo mặt vì giá xi măng, đá tăng và khan hàng. Theo ông Ao Trọng Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Nét Việt Nam (quận Tân Bình), đem mức giá vật liệu xây dựng (VLXD) hiện nay so với mức lợi nhuận bình quân 5% - 15% trên mỗi công trình nhận thầu thì chúng tôi đang lỗ nặng.

Vì so với cuối tháng trước, giá VLXD đã tăng khoảng 15% - 20%. “Xi măng, đá xây dựng tăng giá đột ngột nên chúng tôi không kịp trở tay. Các công trình mà công ty đang thi công đều cầm chắc lỗ, nhưng để giữ uy tín và việc làm cho công nhân nên phải ráng gượng. Cái khó là không phải chủ đầu tư nào cũng chấp nhận ngồi lại để thương lượng điều chỉnh giá, vì chính họ cũng bị động”, ông Hùng tâm sự. Ông Hoàng Văn Hiếu (quận Bình Thạnh), chủ đầu tư một công trình khách sạn với tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng than phiền, giá xi măng và đá xây dựng đột nhiên tăng và khan hàng khiến ông lâm vào cảnh nợ nần.

Vào đầu tháng 5, khi công trình vừa thi công xong phần móng thì giá VLXD tăng mạnh, nhà thầu một mực đòi ông phải ứng tiền trước 50%, cộng thêm 20% giá trong dự toán, nếu không sẽ ngừng thi công. Theo lập luận của nhà thầu, thà chấp nhận lỗ 10% vốn ban đầu còn hơn sẽ thiệt hại tới 20% nếu chủ đầu tư không đồng ý thương lượng lại giá. Suy đi tính lại, cuối cùng ông Hiếu đành đến gõ cửa người quen mượn sổ hồng mang đi thế chấp ngân hàng, vay thêm tiền giao cho nhà thầu theo yêu cầu. “Nếu giá cả cứ õng ẹo kiểu này, chắc tôi phải nhượng lại công trình chứ tiền đâu mà chi cho đến khi hoàn thành”, ông Hiếu thở dài ngao ngán.

“Chi tiền” là có hàng!

Trên thực tế, giá xi măng Hà Tiên 1, Holcim… tại các nhà sản xuất vẫn giữ giá 53.000 - 54.000 đồng/bao, nhưng giá bán lẻ trên thị trường đang ở mức ngất ngưởng, từ 73.000 - 80.000 đồng/bao tùy loại, tăng khoảng 25.000 đồng/bao so với giá công ty. Đã vậy, nguồn cung khan hiếm. Vì sao?

Theo các chủ cửa hàng VLXD, hơn một tuần qua nguồn cung từ các tổng đại lý xi măng giảm chỉ còn chừng 1/3 khối lượng so với trước đây, chính vì vậy không có hàng để bán cho khách. Bà Nguyễn Thị Tuyên, chủ cửa hàng VLXD Quang Tuyên trên đường Dương Quảng Hàm, phường 6, quận Gò Vấp cho hay, hàng ngày bà đều cho tài xế đến trực tại Nhà máy Xi măng Hà Tiên (quận Thủ Đức), Holcim (Cát Lái, quận 2) để mua xi măng.



Giá thép tăng trong thời gian qua.

Nếu trước đây chỉ đợi 3 - 4 giờ đồng hồ là có một chuyến xe xi măng chở về, nay phải đợi ít nhất từ 30 đến 48 giờ mỗi ngày mới có một chuyến. “Để lấy được xi măng về bán, phải bồi dưỡng thêm tiền chầu chực ăn dầm nằm dề suốt hai ngày trời cho tài xế tại các cửa nhà máy xi măng. Đó là chưa kể một chuyến xe nằm không suốt chừng ấy thời gian cũng phải quy ra tiền. Thực ra, vì khách hàng đang xây dựng dở dang công trình, cứ nằng nặc buộc chúng tôi phải cung cấp nếu không sẽ không thanh toán tiền VLXD đã cung cấp trước đó. Chứ bán một bao xi măng với giá 80.000 đồng cũng chẳng có đồng lời nào, thậm chí chúng tôi còn lỗ”, bà Tuyên giải thích.

Theo cánh tài xế chở hàng cho các cửa hàng vật liệu xây dựng, nguyên nhân khan hiếm xi măng là do thời gian qua các nhà máy đã giảm công suất sản xuất do không được tăng giá bán nên sợ lỗ. Trước đây mỗi ngày sản xuất 6 mẻ xi măng thì nay giảm còn 2 - 3 mẻ. Chính vì vậy, đến khi nhà máy ra hàng nếu chủ cửa hàng VLXD nào “biết điều” chi thêm từ 2.000 - 4.000 đồng/bao thì may ra mới có hàng, nhưng vẫn bị khống chế “hạn ngạch”. Trong khi đó, một số cửa hàng VLXD trên địa bàn quận Tân Phú, Bình Chánh… cho biết, mấy ngày qua nhận được nhiều cuộc điện thoại lạ gọi đến cửa hàng yêu cầu nếu muốn mua xi măng phải chấp nhận giá cao và số lượng xi măng mỗi lần lấy trên 1.000 bao thì có ngay!

Tương tự, tại các mỏ đá ở Biên Hòa, thay vì trước đây các nhà máy sản xuất cả vào ban đêm thì nay đóng cửa nghỉ, còn ban ngày cũng chỉ xay cầm chừng. “Xe chở đá mà đi vào ban ngày kiểu nào cũng “dính” công an giao thông, mà mỗi lần phạt là mất tiêu 500.000 đồng. Ban ngày xe chạy không được, ban đêm không có đá để chở thì làm sao có hàng để bán và như vậy giá cao thì có gì lạ”, ông Trần Minh Hoàng, chủ một cửa hàng VLXD ở quận Bình Thạnh lý giải.

Theo Sài Gòn Giải Phóng