Giá vật liệu xây dựng tăng: Cả A và B đều… chóng mặt

Cập nhật 15/12/2007 10:00

Cả nhà thầu và chủ đầu tư đều điêu đứng vì vật liệu xây dựng tăng giá mạnh. So với đầu năm 2007, chi phí để xây dựng một công trình dân dụng đã tăng ít nhất 25 - 30%.

"Mới hôm qua gạch ống của Công ty cổ phần Gạch Đồng Nai được đại lý báo giá 1.250 đồng/viên, nay đã là 1.600 đồng/viên" - ông Nguyễn Châu, giám đốc Công ty TNHH xây dựng Phúc Lâm, nói.

Lỗ "chỏng gọng"

Trước đây chỉ có giá thép là tăng mạnh, gần 3 triệu đồng/tấn so với tháng 6 - 2007. Nay thì gạch, ximăng, bồn nước… cùng "đồng ca" bài tăng giá.

Theo ông Bùi Hoàng Triệu - giám đốc Công ty TNHH xây dựng Minh Khoa (Q.Tân Bình, TP.HCM), công trình xây dựng nhà phố mà công ty ông ký hợp đồng hồi tháng 6 - 2007, diện tích 4m x 20m, có tổng diện tích sàn xây dựng 300m2 lúc ký là 750 triệu đồng, trung bình giá nhận thầu khoảng 2,5 triệu/m2.

Nay, cũng với diện tích này, giá đội lên thêm 500.000 - 600.000 đồng/m2 thì mới xây xong nhà. "Chẳng biết thương thảo lại với chủ nhà họ có chịu không" - ông Triệu thở dài nói. Theo ông Triệu, các công trình ký hợp đồng trước tháng 9 - 2007 trở đi đều cầm chắc lỗ.

Các công trình qui mô càng lớn thì mức độ thiệt hại càng nặng, nhiều nhất vẫn là các nhà thầu phụ. Theo ông S., một công trình có chi phí xây dựng 30 - 50 tỉ đồng thì các nhà thầu phụ phải gánh lỗ ít nhất 15%.

Hiện các nhà thầu đang đứng ngồi không yên vì để giải quyết chuyện tăng giá lại tùy thuộc vào lòng "hảo tâm" của chủ nhà.

Theo ông Nguyễn Châu, giải pháp được dùng nhiều nhất hiện nay vẫn là đàm phán trên tinh thần "đôi bên cùng chia sẻ... thiệt hại". "Còn nếu thuyết phục họ không được thì nhà thầu chỉ có nước ôm sô hết vì phần lớn các hợp đồng dân dụng đều là hợp đồng khoán trọn gói, lời ăn lỗ chịu" - ông Châu nói.

ĐBSCL: choáng vì giá tăng

Tại ĐBSCL, các nhà thầu đang chạy nước rút để kịp tiến độ nhưng đã bị "níu chân" vì giá vật liệu xây dựng tăng "không ngơi nghỉ”.

Trên sông Hậu qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện có hàng chục sà lan cát, đá tải trọng lớn neo đậu ngoài khơi. Mặc dù đơn đặt hàng cung cấp cát lấp và cát xây đã có nhưng chủ hàng không cho sà lan cặp bến để làm giá.

Vài tuần trước, cát dùng cho san lấp chỉ có 25.000 đồng/m3 thì hiện nay đã tăng lên 60.000 đồng/m3; cát xây tăng từ 60.000 đồng/m3 lên 95.000 đồng/m3 nhưng cung vẫn không đủ cầu. Đá xây dựng kích cỡ 1 x 2cm tăng từ 165.000 đồng/m3 lên 220.000 đồng/m3.

Sáng 13 - 12, giá thép xây dựng ở ĐBSCL đã "leo thang" lên đến 14,5 triệu đồng/tấn, tăng hơn 2 triệu đồng/tấn so với tháng trước. Trong khi đó, hầu hết giá thép sau khi đấu thầu tại các công trình đã thi công được vài tháng ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… đều dao động ở mức 8,7 - 9 triệu đồng/tấn.

Với giá như hiện nay, bình quân mỗi tấn thép nhà thầu phải bù lỗ 5,5 triệu đồng. Không chỉ có thép, cát, đá mà vài ngày nay, gạch ống cũng "sốt" giá với mức cao chưa từng có.

Khoảng một tháng trước gạch ống của các lò thủ công chỉ 500.000 - 520.000 đồng/thiên (1.000 viên) thì hiện nay đã tăng lên 1,1 triệu đồng/thiên và giá bán lẻ tại các cửa hàng vật liệu xây dựng đã tăng lên 1,4 triệu đồng/thiên.

Gạch của Công ty cổ phần xây dựng Sóc Trăng tăng từ 600.000 đồng/thiên lên 1,1 - 1,2 triệu đồng/thiên. Sáng 13 - 12, đơn vị này không còn hàng bán ra ngoài đã làm cho giá gạch ở thị trường bên ngoài tăng lên 1,5 triệu đồng/thiên.

Với những công trình cao tầng có vốn đầu tư trên 10 tỉ đồng, nhà thầu phải cần 200 - 300 thiên gạch để xây thì chỉ tính riêng tiền gạch đã "đội" giá thêm200 - 300 triệu đồng.

Có nguy cơ nhà thầu… xuôi tay

Trước cơn "bão giá” đang làm điêu đứng các nhà thầu và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện những dự án đang xây dựng dở dang, Ban quản lý các công trình xây dựng tỉnh Sóc Trăng đã gửi công văn cho các ngành chức năng để tìm cách tháo gỡ.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản chỉ đạo các nhà thầu phải triển khai thực hiện dự án theo đúng hợp đồng đã ký. Nếu kéo dài thời gian, không đảm bảo tiến độ thi công thì sẽ xử phạt vì chưa có hướng dẫn của trung ương.



        Cát, gạch đều tăng giá.

Ông Nguyễn Thanh Liêm - giám đốc Công ty cổ phần xây dựng tỉnh Sóc Trăng - cho biết mặc dù đơn vị có dây chuyền sản xuất gạch chất lượng cao nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn vì không chỉ có vật tư tăng giá mà nguyên liệu đầu vào cho mọi dây chuyền sản xuất của công ty đều tăng giá.
 
Chính vì vậy, bình quân mỗi công trình của đơn vị này xây dựng đều đội giá thêm 30% so với giá trúng thầu. Hiện công ty đang chủ động xoay trở nguồn tài chính để "gồng gánh" các công trình đang xây dựng đến giai đoạn cuối để không vi phạm hợp đồng đã ký.

Tuy nhiên, theo ông Liêm, nếu giá thép vượt qua ngưỡng 15 triệu đồng/tấn thì nhiều khả năng sẽ có một số công trình buộc phải tạm ngừng thi công. Theo kỹ sư Phan Văn Tân, đại diện nhà thầu đã đề xuất chủ đầu tư xem xét nâng giá vật tư vì "càng xây càng lỗ vốn".

Kỹ sư Tân cho rằng nếu các bên không tìm được cách kìm chế "bão giá” vật tư thì không tránh khỏi tình trạng "chết đứng" của các công trình vì không phải nhà thầu nào cũng có đủ năng lực tài chính để... bù lỗ. Trong khi đó, đã có một số nhà thầu làm văn bản tập thể gửi các cơ quan chức năng xin phép được ngừng thi công để chờ... chủ trương chung.

Sẽ còn tăng nữa

Tại TP.HCM, gạch ống tăng sơ sơ... 171%, từ 590 đồng/viên lên 1.600 đồng/viên, cát xây tô từ 90.000 đồng/m3 vọt lên 145.000 đồng/m3, tăng 61%, ximăng Hà Tiên 1 từ 52.000 đồng/bao leo lên hơn 56.000 đồng/bao, tăng 8%.

Công thợ cũng tăng nếu không muốn họ bỏ việc. Lúc trước thợ chính được trả 75.000 đồng/ngày công nay phải tăng lên 85.000 đồng/ngày, thợ phụ từ 65.000 đồng/ngày giờ phải trả 75.000 đồng/ngày. Tính ra công thợ tăng 13 - 18%.

Theo ông Triệu, các nhà cung cấp nguyên vật liệu cho biết từ đây đến cuối năm và sang quí 1 - 2008, giá các loại vật liệu sẽ còn tăng thêm ít nhất 10%.

Ông Phạm Chí Cường, chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), cho biết theo các nguồn tin, dự kiến từ ngày 1/1/2008 Trung Quốc sẽ tăng thuế xuất khẩu phôi và thép thành phẩm. "Với mức tăng này, giá phôi nhập khẩu sẽ tăng đến xấp xỉ 700 USD/tấn. Lúc đó không thể tưởng tượng được giá thép trong nước sẽ đứng ở mức nào" - ông Cường lo lắng nói.



Theo Tuổi Trẻ