Giá và sức tiêu thụ vật liệu xây dựng thiết yếu giảm mạnh

Cập nhật 13/10/2008 16:00

Khác với mọi năm, ở thời điểm này, thị trường vật liệu xây dựng đã rất sôi động, nhưng đến nay thị trường này vẫn chưa có gì biến chuyển so với vài ba tháng trước. Không chỉ giảm giá mạnh ở các mặt hàng thiết yếu như thép, xi măng mà sức tiêu thụ cũng giảm từ 30% đến 60% so với cách đây 3 tháng.

Sau khi giá thép xây dựng tăng lên mức cao điểm 21 triệu đồng/tấn hồi tháng 6 thì nay đã giảm xuống ở mức từ 14,6 triệu đến 14,75 triệu đồng/tấn ở các tỉnh phía Bắc và từ 15,42 triệu đến 17,1 triệu đồng/tấn ở các tỉnh phía Nam, giảm từ 5,5 triệu đến 6,2 triệu đồng/tấn.

Mặc dù giá thép giảm mạnh nhưng sức tiêu thụ không lớn. Nếu như cách đây ba tháng, sức tiêu thụ thép từ 300.000 tấn đến 350.000 tấn/tháng nhưng bước sang tháng 9 chỉ còn 110.000 tấn/tháng và dự báo trong tháng 10 có thể còn giảm hơn.

Sức tiêu thụ giảm mạnh, lượng thép tồn kho ở các doanh nghiệp lên đến gần 500.000 tấn. Để thu hồi vốn, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại buộc phải giảm giá bán, thậm chí phải chấp nhận lỗ để trả lãi suất, vốn vay ngân hàng, nợ đối tác và các chi phí khác khiến cho giá thép ngày càng giảm thêm.

Tương tự, các loại tôn lợp liên doanh của Việt Nhật, Việt Úc, Việt Pháp trước đây mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1.000 m2 thì nay chỉ ở mức từ 300m2 đến 400m2/ngày. Sức tiêu thụ giảm mạnh khiến giá bán cũng giảm theo, từ trên 90.000 đồng/m2 ở tháng 7 thì nay giảm còn 76.000 đồng/m2, chị Thúy Hương, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Việt Phát ở Tây Mỗ, Hà Đông, Hà Nội cho hay.

Về nguyên nhân giảm giá sắt thép mạnh, theo lý giải của các doanh nghiệp, sau khi giá phôi thép trên thị trường thế giới tăng lên mức kỷ lục gần 1.200 USD/tấn hồi tháng 6 thì nay đã giảm xuống dưới 600USD/tấn khiến giá bán sản phẩm trong nước cũng giảm theo.

Các doanh nghiệp cũng nhận định, với tình hình kinh tế thế giới biến động theo chiều hướng suy thoái, lạm phát tăng cao, mức đầu tư xây dựng cắt giảm nhiều đã tác động đến thị trường thép toàn cầu, lượng phôi và thép tồn đọng lớn, không có nhiều hợp đồng được ký kết, giá giảm mạnh và có thể còn giảm hơn nữa.

Bên cạnh đó, ở trong nước, do trước đây thép xây dựng đang trên đà tăng giá, vay vốn ngân hàng dễ, lãi suất thấp, nhiều doanh nghiệp thương mại đã mua hàng tích trữ chờ thời. Tuy nhiên, khi lạm phát tăng cao và thực hiện 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ, nhiều công trình đầu tư xây dựng phải đình, hoãn, giãn tiến độ hoặc ngừng thi công khiến lượng thép xây dựng tiêu thụ giảm mạnh hơn.

Không chỉ các công trình lớn giãn hoãn tiến độ thi công, nhiều công trình xây dựng nhỏ và xây dựng căn hộ gia đình cũng giảm mạnh so với những tháng trước do đang là mùa mưa bão.

Tại cuộc họp mới đây giữa các doanh nghiệp sản xuất thép và Hiệp hội Thép Việt Nam để tìm cách tháo gỡ khó khăn trong việc tiêu thụ thép, các doanh nghiệp này cho rằng, việc giảm giá mạnh trong thời gian qua là do tồn đọng nhiều, trong khi phải trả lãi suất, nợ ngân, nợ đối tác, các doanh nghiệp phải chấp nhận lỗ để thu hồi một phần vốn để trả nợ; đồng thời cam kết từ nay đến cuối năm không giảm thêm giá bán thép.

Mỗi khi thị trường thép biến động theo chiều hướng tăng giá, sức tiêu thụ tăng mạnh hơn do tâm lý người tiêu dùng sợ giá tăng cao, ngược lại, với đà giảm giá như thời gian qua, người tiêu dùng lại có tâm lý chờ đợi giá giảm hơn nữa để mua nên không kích cầu được thị trường.

Các doanh nghiệp nhận định, với sức tiêu thụ thép xây dựng như những tháng gần đây và lượng thép tồn kho lớn, từ nay đến cuối năm nguồn cung thép đủ cung ứng cho nhu cầu xây dựng trong cả nước.

Đối với xi măng, mỗi khi thị trường bất động sản hoạt động cầm chừng, thì mặt hàng này cũng không nằm trong ngoại lệ. Mặc dù nguồn cung dồi dào nhưng nhu cầu không cao nên sức tiêu thụ đã giảm bình quân khoảng 10%/tháng liên tiếp trong 4 tháng gần đây khiến lượng tồn kho lên đến 580.000 tấn.

Theo Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, do yếu tố tâm lý và nhu cầu tăng đột biến có tính mùa vụ và vùng miền, sau khi giá xi măng tăng mạnh vào hồi tháng 5 ở thị trường phía Nam lên mức 1,8 triệu đồng/tấn nhưng từ tháng 7 đến nay, giá bán lẻ xi măng PCB40 trên thị trường đã giảm dần và hiện dao động ở mức từ 0,85 triệu đến 1,1 triệu đồng/tấn đối với các tỉnh phía Bắc và từ 1,2 triệu đến 1,4 triệu đồng/tấn đối với các tỉnh phía Nam.

Với lượng xi măng dư thừa hiện nay cùng với năng lực sản xuất của 6 nhà máy mới được đưa vào sử dụng, từ nay đến cuối năm cung vẫn đáp ứng đủ cầu cho thị trường xây dựng, giá ổn định.

Doanh nghiệp Quỳnh Hằng kinh doanh vật liệu xây dựng trên quận Hoàng Mai, Hà Nội cho hay, dù giá xi măng đã giảm nhưng sức tiêu thụ rất thấp. Nếu như trước đây, mỗi ngày doanh nghiệp này tiêu thụ trên 1.000 tấn thì nay chỉ được từ 400 tấn đến 500 tấn/ngày. Trước tình hình này và để cạnh tranh với nhau, nhiều đại lý, doanh nghiệp còn giảm giá thêm khoảng 5% cho khách hàng để tăng sức mua, thu hồi vốn nhưng vẫn không kích được cầu được bao nhiêu.

Bên cạnh đó, các mặt hàng khác như gạch, đá, cát, sỏi các loại tiêu thụ cũng chậm, giá giảm từ 10% đến 25% so với cách đây 2 tháng.

Theo nhận định của các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng, thị trường này sẽ còn ảm đạm cho đến hết năm, khi qua mùa mưa bão và khi thị trường bất động sản bắt đầu sôi động trở lại.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng