Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép đã đồng loạt tăng giá bán lên 100.000-150.000 đồng/tấn so với đầu tháng 4.
Trong khi giá các mặt hàng như gạch, cát, đá, xi măng đang nằm yên thì bất ngờ doanh nghiệp (DN) thép tăng giá bán.
Giá tăng bất ngờ
Nhiều đại lý, nhà phân phối thép cho biết từ ngày 11-4, nhiều DN sản xuất thép đã đồng loạt tăng giá bán lên 100.000-150.000 đồng/tấn so với đầu tháng 4. Hiện giá thép cuộn giao tại nhà máy dao động 9,7-9,85 triệu đồng/tấn, thép cây 10,50 triệu đồng/tấn. Việc tăng giá này được xem là động thái khá bất ngờ vì trước đó, do sức mua yếu nên liên tục từ đầu năm đến đầu tháng 4, nhiều nhà máy thép đua nhau hạ giá bán nhằm kích cầu người mua, cạnh tranh với thép ngoại.
Ông Nguyễn Mạnh Dưỡng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nguyên Phong - đơn vị phân phối sắt thép xây dựng, cho biết mấy ngày nay, tại một số nhà máy sản xuất thép, số lượng xe ôtô đến nhận hàng tăng lên. Chưa kể là một số mặt hàng như thép phi 14, 18 của những thương hiệu lớn, điển hình như Việt-Nhật đang có dấu hiệu hết hàng do nhà máy không cán kịp.
Theo ông Dưỡng, lý do giá thép tăng xuất phát từ nguyên nhân vừa qua nhà nước đã điều chỉnh thuế nhập khẩu thép. Điều này đã tác động khiến DN sản xuất, kinh doanh buộc lòng tăng giá bán ra.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Tiến Nghi lại cho rằng lý do giá thép tăng cao xuất phát từ việc giá phôi thế giới đang nhích dần lên. Theo đó, từ cuối tháng 2 tới đầu tháng 3-2009, giá phôi thép nhập từ Nga, Ukraina giảm xuống rất thấp, chỉ còn dưới 300 USD/tấn. Thế nhưng trong thời gian gần đây, giá phôi thép trên thế giới lại tăng từ 360 lên 420 USD/tấn và ngay lập tức ảnh hưởng tới giá thép trong nước tăng.
Sức mua tăng làm giá nhích lên
Ngoài ra, nguyên nhân giá thép tăng cũng xuất phát từ nhu cầu trên thị trường đang có dấu hiệu tăng. Trong tháng 1, DN chỉ bán được 175 ngàn tấn, tháng 2 bán được 257 ngàn tấn, dưới mức trung bình khiến nhiều DN chấp nhận chịu lỗ hạ giá bán nhằm đẩy mạnh sức tiêu thụ. Tuy nhiên, bước sang tháng 3, tình hình tiêu thụ có vẻ khá hơn khi DN bán ra được 356 ngàn tấn thép.
Cũng theo ông Nghi, trong thời gian tới, với những biến động của giá thế giới cùng với tác động của một số chính sách trong nước thì giá thép có thể sẽ tăng nhưng mức tăng không nhiều. Lý do, hiện sức mua đã có dấu hiệu tăng nhưng vẫn chưa đúng với mong đợi của DN. Dự kiến sức tiêu thụ của tháng 4 sẽ không vượt qua tháng 3.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng về tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm thép cuộn chứa bo có nguồn gốc từ nước ngoài mà thời gian qua dư luận đặt vấn đề ăn gian thuế nhập khẩu. Nếu được thông qua thì thép cuộn chứa bo nhập khẩu về Việt Nam thay vì được hưởng mức thuế ưu đãi như trước sẽ phải chịu mức thuế 15% như thép xây dựng thông thường.
Giá xi măng, gạch, cát... vẫn trầm lắng
Một số loại vật liệu xây dựng khác như gạch, đá, cát, thép... vẫn đứng ở mức thấp. Hiện gạch ống khoảng 650-1.200 đồng/viên, đá khoảng 250.000-260.000 đồng/m3, cát 100.000-250.000 đồng/m3 (tùy loại), thép 10,2-10,3 triệu đồng/tấn.
Ông Lưu Đức Toàn, Giám đốc Công ty thương mại Đức Toàn - một nhà phân phối xi măng lớn tại TP.HCM, cho biết: Sức tiêu thụ xi măng vẫn rất chậm, chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, một ngày công ty chỉ tiêu thụ 1.000-1.200 tấn so với trước kia tiêu thụ đến 1.600-1.700 tấn. Trên thị trường, giá xi măng Hà Tiên 1 khoảng 68.000 đồng/bao, Holcim 66.500-67.000 đồng/bao; Cẩm Phả, Fico, Lafarge, Thăng Long cùng giữ mức 64.000-65.000 đồng/bao.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP