Lượng tiêu thụ sụt giảm, phôi và thép phế trên thế giới đang đứng giá là những nguyên nhân cơ bản khiến thép trong nước chịu áp lực tiếp tục giảm giá trong tháng tới.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng thép tiêu thụ trong tháng 7 ước đạt khoảng 270.000- 300.000 tấn, ngang ngửa bằng tháng 6. So với tháng 5, lượng thép dùng trong hai tháng gần đây, giảm khoảng hơn 100.000 tấn.
Từ tháng 4 đến nay, giá thép bắt đầu chững lại. Ảnh: Hoàng Hà.
|
Giá thép hiện bán ra phổ biến ở mức 15,6- 16,8 triệu đồng mỗi tấn (chưa bao gồm VAT và phí vận chuyển). Giá bán lẻ dao động từ 18 triệu đồng đến 18,7 triệu đồng. Các nhà phân phối lẻ đang giảm khoảng 100.000 đồng đến 200.000 đồng mỗi tấn để đẩy mạnh tiêu thụ.
Theo VSA, sức mua sụt giảm nên trong tháng tới, thép có thể đứng giá, thậm chí giảm. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch VSA lý giải, thực hiện Nghị quyết 11 nhằm kiềm chế lạm phát, nhiều công trình bị cắt giảm, lãi suất ngân hàng vẫn cao khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay nên lượng tiêu thụ thép giảm đáng kể.
Thêm vào đó, sắp tới là mùa mưa bão, nhiều công trình sẽ hạn chế thi công. Lãnh đạo VSA dự báo, sức mua trong tháng 8 sẽ chỉ dao động quanh mức khoảng 300.000 tấn.
Ngoài ra, phôi và thép phế trên thị trường thế giới đang có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, phôi hiện bán với giá 670 - 690 USD mỗi tấn. Thép phế cũng dao động từ 470 đến 490 USD mỗi tấn. “Nguyên liệu đầu vào chững lại, lượng tiêu thụ sụt giảm nên thời gian tới, thép sẽ đứng giá, thậm chí có những doanh nghiệp sẽ chiết khấu mạnh để kích cầu", ông Nghi cho hay.
Theo Bộ Công Thương, ước 6 tháng, tổng lượng tiêu thụ đạt 2,37 triệu tấn. Từ tháng 1 đến tháng 3, giá bán đầu nguồn thép xây dựng tăng 1,5-2 triệu đồng mỗi tấn do chi phí đầu vào như điện, xăng dầu tăng. Từ tháng 4 đến nay, giá thép xây dựng bắt đầu chững lại do phôi, thép phế trên thế giới đứng giá, nhu cầu tiêu thụ trong nước chậm. Để đẩy mạnh sức cầu, nhiều nhà máy đã tăng mức chiết khấu và hỗ trợ vẩn chuyển đến tận chân công trình.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress