Giá thép càng cao, càng bất lợi!

Cập nhật 19/06/2009 13:35

Giá thép càng tăng, thép ngoại nhập khẩu giá rẻ càng có cơ hội tràn vào thị trường cạnh tranh với các sản phẩm thép xây dựng sản xuất trong nước. Đây là mối lo thường trực của các công ty sản xuất thép trong nước.

Thép ngoại đang tràn vào

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2009, đã có 139.479 tấn thép cuộn được nhập khẩu (NK) vào VN, tuy chỉ tương đương 46,50% lượng thép NK cùng kỳ của cả năm 2008.

Đáng lưu tâm là chỉ riêng trong 15 ngày đầu tháng 5.2009, đã có 29.000 tấn thép cuộn được NK vào VN - tương đương với lượng thép xây dựng NK trong cả tháng 4.2009 và chỉ trong 10 ngày đầu tháng 6.2009 đã có 40.000 tấn thép cuộn từ các nước ASEAN nhập khẩu vào VN.

Nói về tình trạng thép ngoại tràn vào thị trường nội địa, Hiệp hội Thép VN cho biết, nguyên nhân là do giá thép trong nước đã tăng cao, tạo cơ hội cho thép Trung Quốc và thép từ các nước ASEAN giá rẻ xâm nhập được vào thị trường nội địa.

Theo Tổng Công ty Thép VN (ngày 18.6) cho biết, đã có những lúc thép cuộn NK thấp hơn giá thành của công ty tới 200.000 - 300.000đ/tấn đã gây bất lợi cho hoạt động tiêu thụ thép trên thị trường.

Được biết, trong 3 tháng đầu năm 2009, giá thép xây dựng được duy trì ở mức khá ổn định với mức thép cuộn phi 6 - phi 8 có giá từ 10,2 - 10,3 triệu đồng/tấn (giá bán tại nhà máy, chưa có VAT), thép cây từ 10,3 - 10,8 triệu đồng/tấn. Nhưng từ đầu tháng 4 đến nay, với những lý do như giá phôi thép NK tăng 20 - 30USD/tấn, giá thép phế NK tăng từ 15 - 20USD/tấn cùng với lý do thuế NK phôi tăng thêm 3%, tỉ giá USD (thị trường tự do) đã tăng lên đến 18.000VND/USD cùng với tình hình tiêu thụ thép xây dựng trong nước đã có chiều hướng phục hồi, nên thép đã tăng giá. Cụ thể, thép cuộn phi 6 - phi 8 đã được nâng lên tới 10,6 - 10,8 triệu đồng/tấn; thép cây cũng tăng lên tới 10,9 - 11,3 triệu đồng/tấn.

Nhu cầu thép trong nước đang chịu nhiều tác động của khủng hoảng kinh tế. Nay nhờ tác động từ các gói kích cầu của Chính phủ với hàng loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư bất động sản, xây dựng nhà cho đối tượng có thu nhập thấp, nhà ở nông thôn, nhà ở sinh viên..., làm cho nhu cầu thép tăng lên để hướng tới mục tiêu kích thích sản xuất, phục hồi hoạt động của ngành thép trong nước. Nhưng với việc đẩy giá sản phẩm lên cao của các DN sản xuất thép tạo cơ hội cho thép ngoại chiếm lĩnh thị phần thì đây là điều ngành thép và các cơ quan chức năng không thể xem nhẹ.

Có đủ năng lực giữ thị trường?

Đó là câu hỏi mà dư luận đang đặt ra đối với các DN ngành thép. Bởi đã thành tiền lệ, cứ mỗi khi giá phôi thép biến động là các DN thép ngay lập tức lại đưa ra những lý do để bao biện cho việc tăng giá thành phẩm - dù trong kho còn cả đống phôi thép dự trữ. Nếu những năm trước đây, ngành thép VN hầu hết phải phụ thuộc tới 60 - 70% phôi thép NK thì cách ứng xử như thế còn có thể được chấp nhận.

Song từ năm 2008 đến nay, trong nước đã có nhiều lò luyện thép đi vào hoạt động, nên tỉ lệ phôi thép sản xuất trong nước đã đạt tỉ lệ tới gần 60%, do đó sẽ bớt được sự phụ thuộc vào sự biến động của phôi thép NK. Nhưng giá phôi thép chào bán trên thế giới mới tăng mà các DN thép đã vội đẩy giá bán sản phẩm lên, tạo cơ hội cho thép nhập khẩu "len chân" được vào thị trường, sẽ gây thất thoát nguồn kinh phí từ gói kích cầu của Chính phủ, thì quả là điều không thể chấp nhận được.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động