Gần 100 lò gạch “đốt” hàng trăm tỉ đồng

Cập nhật 15/05/2012 08:50

Bộ Xây dựng vừa đồng thuận chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương về việc đập bỏ gần 100 lò gạch được xây dựng với kinh phí hàng trăm tỉ đồng. Để xảy ra sự lãng phí này có lỗi của chính quyền địa phương

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Bình Dương, Bộ Xây dựng yêu cầu tỉnh này có biện pháp cấp bách để doanh nghiệp (DN) và các hộ dân dừng ngay việc đầu tư xây dựng lò sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman. Đối với 98 lò Hoffman đang sản xuất, Bộ Xây dựng yêu cầu tỉnh kiểm tra kỹ tính pháp lý của DN trong đầu tư, thời điểm đầu tư, đánh giá tác động môi trường trong quá trình sản xuất để đưa ra lộ trình chấm dứt hoạt động đối với từng lò cho phù hợp.

Quá lãng phí

Để đi đến kết luận trên, tháng 4-2012, đoàn công tác của Bộ Xây dựng đã kiểm tra thực tế các lò gạch xây theo công nghệ Hoffman ở Bình Dương. Theo nhận định của Bộ Xây dựng, các lò gạch trên phần lớn xây gần khu dân cư, KCN, nơi trồng cây công nghiệp, gây ô nhiễm môi trường đối với người dân và ảnh hưởng đến sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp.

Việc phá bỏ gần 100 lò gạch Hoffman không chỉ gây lãng phí lớn mà còn khiến hàng ngàn lao động thất nghiệp

Về công nghệ sản xuất gạch của loại lò này, nguyên liệu dùng để nung chủ yếu là phế thải. Tại một số lò, khói đã được xử lý qua hệ thống lọc nước nhưng ống khói chỉ cao khoảng 15 m, không bảo đảm các yếu tố môi trường. Việc đưa gạch ra vào lò hoàn toàn làm bằng thủ công trong môi trường nóng, bụi, không bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra thực tế, Bộ Xây dựng phát hiện nhiều lò sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman nhưng lại gắn mác Tuynel (công nghệ sản xuất gạch thân thiện với môi trường hơn, cần đầu tư nhiều tiền hơn) trên sản phẩm gạch. Những lò Tuynel giả này bán gạch ra với giá thấp hơn so với những lò Tuynel chính hiệu nên chiếm được thị trường, tạo sự thiếu công bằng trong cạnh tranh. Chủ một lò gạch Tuynel cho biết muốn xây lò Tuynel phải tốn khoảng 20 tỉ đồng trong khi xây lò kiểu Hoffman chỉ khoảng 5-7 tỉ đồng.

Chủ lò xây bừa, chính quyền lơi lỏng

Việc gần 100 lò gạch được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, xây bừa để rồi chuẩn bị phải đập bỏ một cách lãng phí là lỗi của các chủ lò và của cả chính quyền địa phương. Theo đó, mặc dù từ tháng 6-2010, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành công văn chỉ đạo “từ nay trở đi ngừng việc triển khai mở rộng, thí điểm xây mới lò gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh” nhưng các chủ lò gạch vẫn bất chấp, đầu tư tiền tỉ để xây dựng. Nhiều chủ lò gạch cho rằng mọi người đều xây thì chính quyền không thể đập bỏ!

Về trách nhiệm của chính quyền địa phương, trong văn bản gửi UBND tỉnh mới đây, Bộ Xây dựng nhận định: “Việc tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương ở các cấp chính quyền (cấp huyện, cấp xã) và sự phối hợp giữa các ban, ngành còn hạn chế, dẫn đến trong khoảng 3 năm, số lò gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh đã tăng lên 98 lò, trong đó chỉ có 1 lò có giấy phép theo đúng quy định”.

Đúng như những gì Bộ Xây dựng nhận định, theo tìm hiểu của chúng tôi, chính quyền cấp xã, huyện ở Bình Dương đã lơi lỏng, để nhiều chủ lò gạch xây xong mới cử lực lượng đến lập biên bản, xử phạt, yêu cầu tháo dỡ. Tuy nhiên, chủ lò không tháo dỡ, vẫn hoạt động thì chính quyền lại không có biện pháp đủ mạnh để chấm dứt. Minh chứng ở huyện Tân Uyên, chính quyền đã ra 60 quyết định xử phạt và buộc tháo dỡ nhưng đến nay, các lò vẫn chưa động đậy. Cá biệt, ở huyện Dầu Tiếng, có chủ lò còn được UBND huyện này cấp phép xây dựng trong khi trước đó UBND tỉnh đã ra lệnh cấm.

Kiến nghị dời thời điểm “khai tử”

Tại cuộc họp mới đây với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương về việc xử lý các lò gạch Hoffman, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đề nghị UBND tỉnh này cho các lò Hoffman không phép hoạt động đến hết năm 2012.

Trước đó, ngày 14-2, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành công văn yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã lập các đoàn liên ngành tiến hành kiểm kê và đi đến chấm dứt hoạt động đối với các lò gạch Hoffman không phép trước ngày 30-6.



DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động