Đua nhau xin mở sân bay quốc tế

Cập nhật 29/10/2018 13:29

Các tỉnh đưa ra nhiều lý do để đề xuất mở cảng hàng không quốc tế như lượng hành khách ngày càng tăng, cần thu hút đầu tư, phát triển du lịch…

“Gần đây, nhiều tỉnh đề xuất nâng cấp sân bay nội địa thành sân bay quốc tế và Bộ GTVT đã đồng ý về chủ trương này. Tuy nhiên, có lưu ý rằng theo Quy hoạch phát triển GTVT hàng không đã được Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2020 các sân bay Thọ Xuân, Đồng Hới, Tuy Hòa, Phù Cát và Liên Khương vẫn là sân bay nội địa. Cũng theo quy hoạch này, đến năm 2030 Việt Nam chỉ có thêm hai sân bay quốc tế nữa, trong đó có Long Thành” - trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho biết như trên.
Muốn phát triển kinh tế, du lịch

Các tỉnh đề xuất nâng cấp, mở rộng từ sân bay nội địa thành sân bay quốc tế gồm Bình Định (sân bay Phù Cát), Phú Yên (sân bay Tuy Hòa), Lâm Đồng (sân bay Liên Khương). Trước đó là Thanh Hóa (sân bay Thọ Xuân) và Quảng Bình (sân bay Đồng Hới).

Trong đề xuất mở cảng hàng không (CHK) quốc tế, các địa phương đưa ra lập luận là do nhu cầu khách đi/đến tăng nhanh. Cùng đó, nếu tỉnh muốn triển khai các dự án phát triển kinh tế thì đường hàng không thuận tiện là một trong những tiêu chí để thu hút đầu tư. Đẩy mạnh phát triển du lịch cũng là một trong những lý do các tỉnh này đề xuất.

Ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho rằng đề xuất nâng cấp CHK Tuy Hòa từ sân bay nội địa lên CHK quốc tế đã bàn thảo tương đối lâu. Để thực hiện điều này, tỉnh có mấy việc cần làm như nhà ga phải sắp xếp lại để bố trí khu vực xuất nhập cảnh, hải quan, y tế,… Và Tổng Công ty CHK Việt Nam đang xin ý kiến bộ, ngành liên quan theo quy định về tiêu chuẩn CHK quốc tế.

“Muốn thu hút, phát triển du lịch cũng như các dự án khác thì cần có giao thông thuận tiện, đặc biệt là đường hàng không. Địa phương phải đồng hành cùng ngành hàng không như tăng cường biên chế cho hải quan, y tế, xuất nhập cảnh,…” - ông Dương nói.

Nhiều tỉnh đề xuất mở rộng, nâng cấp sân bay nội địa thành sân bay quốc tế  Ảnh: P.ĐIỀN

Đồng quan điểm, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đánh giá số khách đến Đà Lạt đang tăng nhanh. Do đó tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận bổ sung quy hoạch CHK Liên Khương là CHK quốc tế giai đoạn năm 2020 định hướng đến năm 2030. “Hiện chúng tôi chờ Bộ GTVT có ý kiến phản hồi” - ông S nói.

Phía lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng cho rằng sân bay Phù Cát đang dần quá tải, theo đó tỉnh đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị bổ sung quy hoạch CHK Phù Cát thành CHK quốc tế cùng giai đoạn 2020 định hướng 2030.

Chưa cần thiết nâng cấp!

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, nhiều chuyên gia hàng không phân tích: Để mở CHK quốc tế cần có rất nhiều tiêu chuẩn, trong đó lượng khách quốc tế là một tiêu chí quan trọng. Nếu chỉ có khách quốc tế vãng lai như thực trạng ở nhiều địa phương hiện nay thì việc nâng cấp này sẽ gây lãng phí.

3 tiêu chí để nâng cấp CHK nội địa thành CHK quốc tế được Bộ GTVT đưa ra là: Sân bay đặt tại trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, du lịch quốc gia; có nguồn khách quốc tế lớn; có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng.


“Nếu sân bay nội địa của các địa phương nêu trên quả thật quá tải thì chỉ cần mở rộng nhà ga hành khách, tăng chỗ đỗ máy bay chứ chưa cần phải nâng cấp thành sân bay quốc tế” - ông Nguyễn Thiện Tống nêu quan điểm.

Theo ông Tống, các địa phương cần nghiên cứu chi tiết để biết chính xác số khách quốc tế đến tỉnh nhà bằng chuyến bay nội địa nào từ các sân bay quốc tế khác trong nước. Số lượng hành khách quốc tế đó có gia tăng đáng kể nếu họ được bay thẳng đến sân bay “quốc tế” ở tỉnh nhà không. Nếu nhu cầu khách quốc tế bay trực tiếp không nhiều và hãng máy bay thấy không lợi về tài chính để mở đường bay thẳng thì không nên nâng cấp sân bay nội địa thành quốc tế.

Ông Tống phân tích trong một khu vực chỉ cần vài sân bay quốc tế là đủ vì các sân bay quốc tế đó trở thành sân bay trung chuyển, gom khách quốc tế đến từ nhiều nước để bay về từng sân bay nội địa ở tỉnh. Chuyến bay nội địa đến các sân bay quốc tế trong nước cũng chỉ mang ngược lại khách quốc tế cho sân bay trung chuyển để gom khách cho các chuyến bay quốc tế đi trở lại các nước thôi.

“Trường hợp này, sân bay Thọ Xuân quá gần sân bay quốc tế Nội Bài và Vinh; sân bay Đồng Hới quá gần sân bay Vinh và Phú Bài; sân bay Tuy Hòa rất gần sân bay quốc tế Cam Ranh; sân bay Phù Cát ở giữa hai sân bay quốc tế Cam Ranh và Đà Nẵng. Do đó, những sân bay trên không cần nâng cấp thành sân bay quốc tế” - ông Tống lập luận.

Riêng sân bay Liên Khương, ông Tống cho rằng tuy gần sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Cam Ranh nhưng lại có vai trò đặc biệt. Khách quốc tế nếu đi thẳng đến Liên Khương sẽ giúp giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải. Khách quốc tế ở các nước Đông Nam Á muốn đi du lịch vùng Đà Lạt có thể đáp chuyến bay thẳng đến Liên Khương chứ không cần đến Cam Ranh rồi bay thêm chuyến nội địa nữa.

“Tóm lại, trong năm sân bay nói trên, chỉ sân bay Liên Khương nên được ưu tiên nâng cấp thành sân bay quốc tế” - ông Tống nói.

Công suất của các sân bay muốn nâng cấp

- CHK Tuy Hòa có 25 chuyến bay/ngày trên hai tuyến Tuy Hòa-Tân Sơn Nhất và Tuy Hòa-Nội Bài. Dự kiến trong năm 2018 tổng lượt khách qua cảng đạt 430.000 lượt so với năng lực thiết kế của cảng này là 550.000 khách/năm.

- CHK Liên Khương có công suất thiết kế hai triệu khách/năm, đáp ứng phục vụ hơn 830 khách/giờ cao điểm. Hiện cảng này khai thác sáu đường bay nội địa đi/đến, hai đường bay quốc tế là Bangkok (Thái Lan), Vũ Hán (Trung Quốc).

- CHK Phù Cát được đầu tư bảy vị trí sân đỗ máy bay, đáp ứng phục vụ 600 hành khách/giờ cao điểm, khai thác với công suất đến 1,5 triệu hành khách/năm.


DiaOcOnline.vn - Theo PLO