Doanh nghiệp xoay xở bằng các dự án công

Cập nhật 20/08/2013 13:58

Thị trường bất động sản đóng băng khiến các doanh nghiệp xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề. Để tìm lối thoát, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sang các dự án công, thậm chí là các dự án nhỏ trong dân.


 Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco) cho biết, lĩnh vực xây dựng là một trong những lĩnh vực chính, có lượng lao động khá lớn của Lideco. Song do thị trường bất động sản khó khăn, nên sản lượng của lĩnh vực này giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 30% so với năm trước.

 Hoạt động xây dựng gặp khó khăn, nên doanh nghiệp cũng phải xoay đủ kiểu để đảm bảo hoạt động và đảm bảo đời sống cho công nhân. Cụ thể, thời gian qua, Lideco đã phải tìm kiếm những công trình xây dựng đầu tư công, có nguồn vốn đầu tư rõ ràng để ký hợp đồng.

 Tuy nhiên, do chính sách cắt giảm đầu tư công của Chính phủ, nên các doanh nghiệp xây dựng cũng không thể dựa nhiều vào lĩnh vực này. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã phải tìm kiếm thêm cả những dự án nhỏ lẻ trong dân để cho các tổ, đội xây dựng trong doanh nghiệp thực hiện, đảm bảo thu nhập và việc làm cho công nhân.

 Một lãnh đạo của Công ty Xây dựng số 1 (thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội) cũng than thở vì sản lượng xây dựng của doanh nghiệp giảm mạnh trong năm 2013. Cụ thể, năm 2012, sản lượng của doanh nghiệp này đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, nhưng năm nay, sản lượng dự báo chỉ đạt khoảng 50% của năm trước.

 Vị đại diện này cho biết, hiện hầu hết các dự án đều đình trệ, nên doanh nghiệp xây dựng không có nhiều việc làm, hoặc nếu làm thì việc thu hồi vốn cũng rất khó khăn. Vì thế, các doanh nghiệp xây dựng có xu hướng tìm kiếm các dự án đầu tư công, hoặc những dự án thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện. Đây là những dự án thường có nguồn vốn đảm bảo và quan trọng là ít rủi ro hơn thực hiện các dự án bất động sản thương mại hiện nay.

 Ông Nguyễn Hồng Thái, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Hải Phát cho biết, sản lượng của lĩnh vực xây dựng, một lĩnh vực chủ chốt của Hải Phát trong năm 2013 hiện chỉ bằng 20% so với 2 năm trước.

 Theo ông Thái, hiện thị trường địa ốc khó khăn, nên các chủ dự án có xu hướng kéo dài thời gian triển khai dự án hoặc đình chỉ thi công. Để duy trì công việc và thu nhập cho lao động, Hải Phát cũng đang tìm kiếm dự án có vốn đầu tư công để triển khai. Ngoài ra, doanh nghiệp còn triển khai xây dựng cả các dự án nhỏ lẻ trong dân để công nhân có thêm việc làm.

 Trong khi nhiều doanh nghiệp xây dựng không tìm được hợp đồng triển khai tại các dự án thương mại và có xu hướng tìm đến những dự án đầu tư công để duy trì sản xuất và bảo toàn dòng vốn, thì vẫn có những doanh nghiệp chuyên thực hiện các dự án đầu tư công đang từng bước lấn sang các dự án bất động sản thương mại, thậm chí liên tục mở rộng hoạt động sang lĩnh vực này.

 Ông Nguyễn Văn Phú, lãnh đạo Công ty Sông Đà 11 - Thăng Long cho biết, thế mạnh của Sông Đà 11 - Thăng Long là triển khai xây dựng các dự án thủy điện và xây lắp các đường điện cao thế. Đây đều là những dự án đầu tư công và có nguồn vốn ổn định. Thế nhưng, những năm gần đây, ngoài thực hiện các dự án đầu tư công, doanh nghiệp liên tục mở rộng sang lĩnh vực lắp đặt điện nước tại các dự án bất động sản thương mại.

 Ông Phú thừa nhận, hoạt động xây dựng tại các dự án bất động sản thương mại hiện nay rất rủi ro, vì vậy, việc chọn được đối tác có tiềm năng và có dòng vốn ổn định là rất quan trọng. Tuy nhiên, do đã chọn được những đối tác tốt, nên hoạt động lắp đặt điện nước tại các dự án bất động sản thương mại, vốn là lĩnh vực không phải là truyền thống của Sông Đà 11 - Thăng Long ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đến nay, lĩnh vực này đã chiếm 40% sản lượng kinh doanh của Công ty và cũng đóng góp rất lớn về tỷ trọng trong tổng lợi nhuận của Sông Đà 11 - Thăng Long.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư chứng khoán