Doanh nghiệp xi măng trước sức ép tăng giá bán

Cập nhật 25/05/2015 13:28

Giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất xi măng (XM), đặc biệt là giá điện liên tục tăng, tỷ giá USD cũng tăng… khiến các nhà sản xuất XM đau đầu. Nhưng có tăng giá XM trong thời điểm hiện tại là câu hỏi nhiều người quan tâm.

Các doanh nghiệp XM đang đứng trước sức ép tăng giá bán…

Theo tính toán của các nhà sản xuất XM thế giới, tổng chi phí năng lượng (bao gồm điện, than…) đang chiếm hơn 50% giá thành XM. Trong đó giá điện chiếm 20%, chi phí than chiếm 32% trong giá thành sản phẩm XM. Điều đó có nghĩa giá năng lượng như than, điện… tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cơ cấu giá sản phẩm XM.

Kinh nghiệm của tập đoàn hàng đầu thế giới là Anhui Conch, sản xuất 103 triệu tấn/năm cho thấy: Lợi nhuận chỉ là 502 triệu đô la Mỹ, nghĩa là lợi nhuận chỉ khoảng 5 đô la Mỹ/tấn, chưa tới 10%. Trong khi giá các nguyên liệu đầu vào sản xuất XM thời gian qua không ngừng tăng, giá điện tăng cao, giá xăng dầu tăng… dồn các doanh nghiệp sản xuất XM vào thế khó. Điện, than, các nguyên liệu đầu vào tăng, giá bán XM còn thấp và được coi là mặt hàng khá bình ổn từ nhiều năm nay… Tuy nhiên áp lực tăng giá của các nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá điện, than, dầu tăng thì việc tăng giá thành sản phẩm là điều nhiều doanh nghiệp XM đang tính đến lúc này.

Đại diện nhà sản xuất XM mới gia nhập thị trường cho biết: Giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá năng lượng tăng thì trước sau gì các doanh nghiệp XM cũng phải tăng giá nhưng tăng thời điểm nào và tăng bao nhiêu thì doanh nghiệp còn phải tính, và phải chờ xem các nhà sản xuất khác thế nào.

Các doanh nghiệp XM khác cũng đang trong tâm lý chờ đợi động thái của các doanh nghiệp XM lớn như Vicem, các nhà máy XM liên doanh… Nhưng tất cả họ đều thống nhất cho rằng: Trước sau cũng phải tăng giá bán!

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem cho biết: Trong tháng 5/2015 này, Vicem sẽ không tăng giá bán, nhưng về lâu dài Vicem đang xem xét cân đối lại các chỉ tiêu. Nếu muốn tăng giá bán XM phải tính toán đến nhiều yếu tố. Vicem đang nỗ lực chịu đựng do giá điện, xăng dầu và chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng nhưng cũng chưa thể nói trước điều gì.

Thời gian qua, một số đại lý bán XM tăng 20.000 đồng/tấn, nhưng đây là mức tăng cho chi phí vận chuyển khi giá xăng dầu lên chứ không phải giá bán XM tăng.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp, ngoài xem xét đến cơ cấu giá thành sản phẩm cũng cần tính toán đến việc tái sử dụng năng lượng, xem lại việc sử dụng chất đốt bởi phần lớn chất đốt hiện đang dùng tại các nhà máy XM là than đá, một loại than cao cấp trong khi dầu FO đang rẻ, hay … thì lại ít dùng. Hiện cả nước chỉ nhập 5% lượng FO Mazut trong tổng số xăng dầu nên cần xem xét và cân nhắc để quyết định sớm việc cho phép nhập những nguồn than vừa phù hợp vừa rẻ hơn than nội địa khá nhiều, chủ yếu là các loại tương đương than 3C và 4A hiện nhiều nhà máy XM đang dùng.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng