Doanh nghiệp thép không nên hoảng loạn

Cập nhật 30/10/2008 14:00

Ông Lê Văn Vang, Giám đốc Công ty cổ phần Thép Nam Vang đề nghị các doanh nghiệp thép bình tĩnh tìm ra giải pháp trong thời điểm giá thép thế giới tụt dốc hơn 60% so với đỉnh cao nhất.

Tại cuộc tọa đàm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thép do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức mới đây, ông Vang cho rằng, việc doanh nghiệp không kịp trở tay với giá thép sụt giảm đột ngột không phải là lỗi của điều hành sai hay tiếp thị bán hàng kém.

“Không thể giải quyết vấn đề trong năm nay và thị trường thép cũng lên xuống rất nhanh, nên vấn đề bây giờ là củng cố tinh thần, bắt tay nhau tìm giải pháp tháo gỡ”, ông Vang nói sau khi thừa nhận doanh nghiệp của mình có lượng tồn kho thép vào loại lớn trong cả nước, nhưng rất tự tin với cơ hội giải quyết khó khăn.

Theo tính toán của lãnh đạo Công ty cổ phần Thép Bắc Việt, lượng hàng tồn kho của toàn ngành thép ở tất cả các khâu, từ phế liệu, phôi thép đến thép thành phẩm của các doanh nghiệp thương mại và doanh nghiệp sản xuất, lên tới 3 triệu tấn, chứ không phải chỉ dừng lại ở con số 1 triệu tấn mà Hiệp hội Thép Việt Nam đưa ra trước đó. Với mức giá trung bình 700 USD/tấn, lượng tồn kho này trị giá khoảng 2 tỷ USD.

Đồng tình với nhận định trên, ông Vang phân tích, trong 9 tháng đầu năm, cả nước đã nhập khẩu 7 triệu tấn thép, tồn kho từ năm 2007 là 2 triệu tấn, trong khi 9 tháng đầu năm mới tiêu thụ được hơn 4 triệu tấn và xuất khẩu được 2 triệu tấn.

Trong 3 triệu tấn thép tồn kho, lượng thép tấm lá khoảng 1 triệu tấn; còn lại gồm phế liệu, phôi thép và thép xây dựng. Dù tồn kho cao, nhưng giá thép tồn kho lại được ông Vang cho là ở mức trung bình, bởi các doanh nghiệp đều đã dừng nhập khi giá thế giới lên cao.

Với lượng thép tồn kho được xem là đủ đáp ứng cho nhu cầu của cả nước tới quý II/2009 này, trong tình hình tiêu thụ chậm, giá thép lại xuống nhanh như hiện nay, các doanh nghiệp ngành thép đã kêu gọi hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không cần thiết cho tới hết quý I/2009.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ áp dụng tình trạng khẩn cấp về thuế nhập khẩu hay phụ thu với phôi thép nhập khẩu trong thời gian ngắn, để tránh tình trạng đổ bộ của các sản phẩm thép trong thời điểm giá cả thế giới đang sụt giảm mạnh như hiện nay.

Theo các doanh nghiệp, trong năm nay có hơn 3.000 dự án đình hoãn, giãn tiến độ đầu tư với quy mô lên tới 36.000 tỷ đồng. Điều này khiến cho thị trường thép “đóng băng” thật sự, bởi khách hàng lớn của ngành thép là các công trình, dự án. Chính vì vậy, việc đề nghị để các dự án có thể được tái triển khai, quay lại với thị trường thép là giải pháp đầu tiên được các doanh nghiệp chú ý.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng, các ngân hàng sẽ gia hạn thêm một kỳ vay vốn và cho vay với lãi suất mới, để doanh nghiệp kịp xoay xở, không phải bán phá giá hàng tồn kho để có tiền trả nợ. Đại diện Công ty Thanh Bình cho rằng, tùy theo doanh nghiệp và các khoản nợ, ngân hàng nên chuyển nợ ngắn hạn thành trung hạn, dài hạn để trợ giúp doanh nghiệp trong lúc khó khăn này.

TS. Trần Đình Thiên, Phó viện trưởng Viện Kinh tế học Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần nhìn nhận vấn đề một cách dài lâu, chứ không phải chỉ khi khó khăn mới đi tìm giải pháp. Theo ông Thiên, các doanh nghiệp thép trong nước vẫn đang loay hoay bài tính ngắn hạn chứ chưa phải dài hạn như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang ào ạt tìm vào ngành thép thời gian gần đây.

Bởi vậy, bên cạnh những giải pháp trước mắt, các doanh nghiệp thép cần nghiên cứu thị trường một cách kỹ càng, để có phương án dài lâu, chứ không phải “cần gì làm nấy” như hiện nay.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư